Tiếng Việt | English

19/12/2023 - 09:40

Còn nhiều khó khăn trong xét xử vụ án hành chính

Nếu năm 2021, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Long An chỉ thụ lý 272 vụ thì năm 2022, thụ lý 402 vụ và năm 2023 là 411 vụ án hành chính. Trong đó, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai chiếm đa số với khoảng trên 90%.

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử trực tuyến

Những năm gần đây, tình hình thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính của TAND 2 cấp tỉnh diễn biến theo xu hướng ngày càng tăng, số vụ việc năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, nếu năm 2021, TAND 2 cấp tỉnh chỉ thụ lý 272 vụ thì năm 2022 là 402 vụ và năm 2023 là 411 vụ án hành chính. Trong đó, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai chiếm đa số với trên 90% và số ít trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, xử phạt vi phạm hành chính, xây dựng.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, 100% số vụ án hành chính, người bị kiện là UBND đều ủy quyền cho cấp phó nhưng người được ủy quyền lại xin vắng mặt, gây khó khăn cho công tác giải quyết án; một số vụ án tuy có tổ chức đối thoại nhưng các đương sự thống nhất dẫn đến tỷ lệ đối thoại thành không cao.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, số lượng án hành chính ngày càng tăng trong khi biên chế không tăng dẫn đến khó khăn khi thụ lý, giải quyết. Trong quá trình giải quyết án, việc xác định người bị kiện trong các trường hợp còn gặp khó khăn khi người khởi kiện kiện nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính. Hiện nay, việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND cũng gặp khó khăn khi một số trường hợp tòa án tống đạt văn bản tố tụng qua bộ phận văn thư của người bị kiện thì những người này thường không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt để việc tống đạt được hợp lệ.

Nhiều trường hợp, người bị kiện chậm có ý kiến phản hồi đối với yêu cầu khởi kiện cũng như cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án. Riêng đối với các trường hợp người bị kiện là chủ tịch UBND thường không tham gia tố tụng, cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, do đó, tòa án không thể tiến hành đối thoại và việc giải quyết vụ án bị kéo dài do phải lần lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tiến hành đủ 2 lần đối thoại, 2 lần triệu tập xét xử mới tiến hành xét xử vắng mặt. Những trường hợp này khiến người khởi kiện bức xúc, phản ứng gay gắt, không đồng tình việc tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện và khiếu nại, yêu cầu thay đổi thẩm phán,...

Ngoài ra, hiện nay, việc giải quyết án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ đòi hỏi cần có nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu khiến việc giải quyết vụ án kéo dài.

Từ thực tế đó, theo ông Lê Quốc Dũng, bên cạnh Trung ương cần sớm sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hành chính thì UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương chấp hành tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng Hành chính trong việc cử người tham gia tố tụng, chấp hành tốt các quy định về cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho TAND đúng thời hạn và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBND, Viện Kiểm sát nhân dân và TAND cùng cấp gắn với việc thực hiện nghiêm các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực nhằm giúp công tác xét xử án hành chính ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết