Theo Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9, công an phường, xã, thị trấn (gọi chung là công an xã) được thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và xử lý một số lỗi vi phạm giao thông.
Công an cấp xã sẽ phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho CSGT.
Đây là điểm mới so với Thông tư 65/2020 của Bộ Công an trước đây. Quy định trước đây chỉ cho phép công an xã "phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm" cùng CSGT khi cần thiết.
Công an phường, xã được dừng xe máy xử lý một số lỗi vi phạm
Công an xã được dừng xe để xử phạt các lỗi gì?
Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.
Công an phường, xã được dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ để xử lý các lỗi sau:
- Không đội mũ bảo hiểm
- Chở quá số người quy định
- Chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn
- Dừng, đỗ xe không đúng quy định
- Phóng nhanh, lạng lách, đánh võng
- Không có gương chiếu hậu ở bên trái.
- Sử dụng ô (dù)
- Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định
- Phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội
Công an phường có thể tuần tra, kiểm soát mà không có CSGT đi cùng
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì công an phường, xã được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Vì sao công an phường, xã được dừng xe?
Anh Hoàng Quân (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nêu quan điểm, quy định công an phường, xã được xử lý một số lỗi vi phạm như trên là phù hợp vì góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
"Quan trọng là khi bị xử phạt thì công an phải đưa ra bằng chứng thuyết phục để dân tâm phục, khẩu phục", anh Quân nêu ý kiến.
Chị Minh Tâm (ngụ TP.Thủ Đức) cũng cho rằng công an phường, xã nếu xử phạt vi phạm giao thông sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông ở địa phương, ngăn chặn vi phạm kịp thời. "Nhưng ra đường chỗ nào cũng gặp công an thì vẫn ngao ngán", chị Tâm chia sẻ.
Theo LS Lê Trung Phát, công an có vai trò đảm bảo an ninh trật tự, mọi hoạt động của họ đều được pháp luật cho phép. Công an khi thi hành nhiệm vụ cũng phải dựa vào sự cho phép của pháp luật thực hiện theo quyền hạn.
Công an phường, xã phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho CSGT
"Như vậy, chỉ khi nào công dân vi phạm pháp luật thì mới có thể phát sinh tâm lý "sợ công an". Còn công dân không vi phạm pháp luật thì dù lực lượng công an được trao quyền gì đi chăng nữa, họ cũng không làm gì mình", LS Phát phân tích.
LS Phát dẫn chứng, ở một số vùng quê, người dân thường vi phạm luật giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chạy xe không có kính chiếu hậu bên trái, chở quá số người quy định, chở vật cồng kềnh quá giới hạn cho phép… vì tâm lý "chỉ đi gần", "ở quê công an không phạt".
Theo LS lê Trung Phát, đã đến lúc người dân phải hiểu rằng, việc nắm bắt quy định của pháp luật là trách nhiệm của mỗi người, trong đó có luật giao thông đường bộ. Nếu mỗi người không chịu tìm hiểu hoặc cố tình vi phạm thì cơ hội "thoát các chế tài" của luật không còn nhiều khi công an xã được trao thêm quyền.
"Công an xã được xử phạt trong lĩnh vực giao thông là phù hợp, vì đây là lực lượng tại chỗ, nắm rõ đặc điểm của địa phương về các vi phạm pháp luật về giao thông, từ đó sớm tiến hành tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm", LS Phát nhận định./.
Theo Thanh niên