Tiếng Việt | English

28/11/2020 - 12:20

COVID-19 đến sáng 28/11: Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Tại châu Âu, dịch COVID-19 đang hoành hành mạnh nhất ở Nga và Pháp (hơn 2,1 triệu ca nhiễm), Anh (hơn 57.000 ca tử vong), trong khi Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 28/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 28/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 28/11, thế giới đã ghi nhận 61.964.850 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.448.285 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 16.726.855 ca nhiễm và 382.426 ca tử vong, tiếp theo là châu Á với 16.383.187 ca nhiễm và 268.785 ca tử vong.

Các con số này ở Bắc Mỹ lần lượt là 15.674.925 và 403.835, trong khi ở Nam Mỹ là 10.984.357 và 322.856 ca.

Với số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất thế giới (161.833 ca ngày 27/11), tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 13 triệu ca. Số ca tử vong trong 24 giờ qua ở Mỹ cũng cao nhất thế giới (1.362 ca), nâng số ca tử vong ở Mỹ lên tới 271.024 ca.

Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, với 9.351.224 ca, nhưng Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai với 171.998 ca.

Tại châu Âu, dịch COVID-19 đang hoành hành mạnh nhất ở Nga và Pháp (hơn 2,1 triệu ca nhiễm), Anh (hơn 57.000 ca tử vong), trong khi Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Italy với 28.352 ca và Nga với 27.543 ca. Tuy nhiên, trong ngày 27/11, số ca tử vong mới cao nhất được ghi nhận ở Italy với 827 người.

Trong bối cảnh Giáng sinh và năm mới đang đến, một số nước châu Âu từng bước mở cửa nền kinh tế một cách hết sức thận trọng.

Bỉ đã thành công trong việc khống chế đường cong dịch tễ và có thể tránh được tình huống quá nguy hiểm nhưng vẫn đang trong giai đoạn cảnh báo tối đa vì hầu hết các bệnh viện vẫn đang quá tải.

Tại Mỹ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến cách người dân mua sắm dịch Black Friday - ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn - vốn là dịp mua sắm tưng bừng nhất của người Mỹ trong năm.

Năm nay, không còn cảnh người dân xếp hàng dài dằng dặc, chen chúc trước các trung tâm mua sắm lớn từ tờ mờ sáng để "săn" các mặt hàng với mức giá hạ sâu nhất trong năm nữa.


Cảnh vắng vẻ tại cửa hàng của hãng Macy ở thành phố New York, Mỹ trong ngày Black Friday, ngày 27/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cảnh vắng vẻ tại cửa hàng của hãng Macy ở thành phố New York, Mỹ trong ngày Black Friday, ngày 27/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thay vào đó, nhiều hãng đã mở bán các gói mua sắm giá hời trên mạng trực tuyến từ đầu tháng 10 do lường trước tình hình sẽ không thể thu hút được lượng khách lớn đến mua sắm tại các cửa hàng trực tiếp như mọi năm.

Đại dịch COVID-19 đã khiến không ít những hãng tên tuổi lớn phá sản và hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa trong năm nay.

Thế nhưng với một thị trường lớn như nước Mỹ thì nhiều công ty bán lẻ khổng lồ như Amazon, Best Buy hay Walmart vẫn tìm cách vượt được qua được khủng hoảng và khẳng định tên tuổi.

Tại châu Á, ngoài Ấn Độ, Iran bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi ghi nhận 822.397 ca nhiễm và 47.095 ca tử vong.

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Indonesia đã ghi nhận trên 522.000 ca nhiễm trong khi Bangladesh và Philippines ghi nhận trên 420.000 ca.

Trong 24 giờ qua, Oman, Campuchia, Brunei, Lào và Timo-Leste không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Tại châu Phi, Maroc ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao nhất châu lục (4.592 ca), nhưng Nam Phi hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng cộng 781.941 ca nhiễm. Số ca tử vong tại Nam Phi cũng cao nhất, với 21.378 ca sau khi ghi nhận thêm 98 ca tử vong trong ngày 27/11.

Châu Đại Dương là nơi ít bị ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ở vùng lãnh thổ Polynesia (thuộc Pháp) đã tăng đột biến (213 ca), trong khi Australia ghi nhận 6 ca nhiễm mới và New Zealand ghi nhận 7 ca mới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết