COVIVAC là vaccine thứ 2 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm trên người. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Trong vòng hai năm qua, sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 đã làm lung lay hệ thống y tế và nền kinh tế toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định dịch bệnh này vẫn đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu suy giảm.
Hiện nay, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh như khẩu trang, khử khuẩn… thì việc tiêm phòng vaccine được coi là biện pháp duy nhất để kiểm soát đại dịch này.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, nhiều đơn vị sản xuất vaccine của Việt Nam đã tăng tốc nghiên cứu để có nguồn vaccine phòng COVID-19 trong nước hiệu quả và ổn định.
“Con đường phải đi”
COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2. Để đối phó với dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã phản ứng tức thời nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng.
Nhiều biện pháp khác cùng lúc được tiến hành như như khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, chuyển đổi hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến…
Bên cạnh đó, cuộc chạy đua nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới đang diễn ra, bước đầu đã có một số vaccine được thương mại hóa, sử dụng tiêm cho người dân. Việt Nam cũng đang tăng tốc để nghiên cứu vaccine để chống đại dịch.
Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2 cho tình nguyện viên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay gần 60 năm trước, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh và rất khó khăn, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công một loại vaccine quan trọng: Vaccine phòng bại liệt.
Theo đó, khoảng những năm 1959-1960, bệnh bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 trẻ mắc bệnh và hơn 500 trẻ bị tử vong. Mỗi năm có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời, tỷ lệ mắc lên tới 126/100.000 dân. Năm 1961, nhờ vaccine phòng bệnh bại liệt do Liên Xô hỗ trợ, tỷ lệ mắc bại liệt ở Việt Nam đã giảm xuống còn 3,09/100.000 dân.
Tuy nhiên, để chủ động phòng chống bại liệt, Bộ trưởng Y tế khi đó là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã chỉ đạo phải nghiên cứu sản xuất được vaccine phòng bệnh...
Dưới sự chỉ đạo của giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã sản xuất thành công vaccine Sabin phòng bệnh bại liệt ở Việt Nam vào năm 1962.
Nhờ có lượng vaccine sản xuất trong nước, bệnh bại liệt đã không bùng phát thành những vụ dịch lớn trong suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc bại liệt dao động khoảng 3/100.000 dân và giảm rõ rệt khi chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai. Những năm sau đó, tỷ lệ người dân mắc bại liệt giảm rõ rệt.
Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt vào năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc chủ động đầu tư phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước là lựa chọn phù hợp. Việt Nam ghi dấu ấn khi là 1 trong hơn 40 nước trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống COVID-19 trên người.
Khám sàng lọc cho tình nguyện viên tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm đợt 2 vaccine Nano Covax. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Việc phát triển vaccine phòng COVID-19 có rất nhiều khó khăn, thách thức, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, song đây là con đường tất yếu phải đi nếu muốn chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ người dân.
Cuộc tăng tốc với thế “kiềng 3 chân”
Hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo; Viện Vaccine và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa); Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển hai ứng viên vaccine COVID-19 là vaccine subunit dựa trên S-protein và vaccine VLP (virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vaccine sởi).
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Đến nay, Việt Nam có 3 ứng viên sản xuất vaccine đang tăng tốc để về đích: Vaccine Nano Covac đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại của IVAC và VABIOTECH tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1.
Nghiên cứu định lượng protein trong vaccine tại phòng thí nghiệm của Vabiotech. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, IVAC có thể sản xuất với quy mô 6 triệu liều/năm có thể nâng lên 30 triệu liều/năm, Nanogen có thể sản xuất với quy mô 20 triệu liều/năm, có thể nâng lên 100 triệu liều/năm. Bên cạnh đó, công nghệ sử dụng giá thể vector virus để sản xuất vaccine mà VABIOTECH đang sử dụng cho phép có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn...
Tô đậm Việt Nam trên bản đồ sản xuất vaccine của thế giới
Những năm qua, vị thế của y học Việt Nam đang ngày càng được khẳng định nhờ những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực của y tế. Bên cạnh các lĩnh vực như phẫu thuật nội soi, cấy ghép tạng đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vaccine.
Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế); Chánh Văn phòng Chương trình Nghiên cứu phát triển Vaccine cho hay Việt Nam có truyền thống đáng tự hào trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Hiện nay chúng ta đã tự sản xuất được vaccine phòng 16 loại bệnh như vaccine phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella, cúm mùa…
Vaccine sản xuất trong nước đã được đưa vào phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe quốc gia. Bên cạnh đó, Hệ thống Quản lý chất lượng vaccine Quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu vaccine trong nước.
Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2 cho tình nguyện viên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có khả năng sản xuất vaccine phòng bệnh cho người. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất được vaccine 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại là vaccine sởi-Rubella. Theo đó, Việt Nam trở thành một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vaccine và là nước thứ tư tại châu Á sản xuất được vaccine phối hợp sởi-Rubella.
Năm 2018, loại vaccine MR kết hợp sởi-Rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng, thay thế cho loại vaccine sởi-Rubella nhập khẩu.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến nay dịch COVID-19 ở trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã “bớt nóng” nhưng Việt Nam vẫn là “cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn” nên cần thực hiện tiếp các giải pháp “bao chặt bên ngoài, bên trong thực hiện các chiến lược đã triển khai từ trước đến nay.”
“Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt,” Phó Thủ tướng chỉ rõ. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung tăng tốc nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và việc phát triển, thử nghiệm phải tuân thủ tất cả các bước chắc chắn...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay việc tiếp cận vaccine có nhiều khó khăn, không phải trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi quá trình lâu dài do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế. Trong khi đó, nhiều nước sẵn sàng mua theo “kỳ vọng,” thậm chí đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
Do đó, song song với việc mua vaccine từ nước ngoài, chúng ta phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn trong nước. Đây là chiến lược lâu dài.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân. Thực tế, những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Vì vậy, đây cũng chính là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai./.
Theo TTXVN