Tiếng Việt | English

13/04/2017 - 21:03

Đặc sản Nam bộ hội tụ trên đất Bình Dương

Những đặc sản của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hội tụ đủ đầy tại Bình Dương trong không gian Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2 vừa là dịp quảng bá hình ảnh, vừa là nhịp cầu kết nối các tỉnh, thành phố trong việc liên kết xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch thông qua những sản vật địa phương.

Không gian ẩm thực tỉnh Kiên Giang

Mỗi vùng một đặc sản

21 không gian ẩm thực của 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam tham gia Festival Đờn ca tài tử Quốc gia là một bức tranh sinh động, đa dạng thể hiện nét văn hóa ẩm thực vùng, miền. Từ quê biển, những người con Kiên Giang mang đến không gian ẩm thực các loại nước mắm, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc vốn vang danh khắp mọi miền. Ngoài ra, trong không gian ẩm thực của tỉnh Kiên Giang còn có tiêu xanh, tiêu chín của Hợp tác xã Nông dân Nguyên Tiêu ở huyện Gò Quao.

Còn An Giang - tỉnh có dân tộc Chăm, Khmer sinh sống nên văn hóa ẩm thực của vùng đất này ngoài những món ăn đặc trưng của người Kinh còn có những sản phẩm của 2 đồng bào dân tộc Chăm, Khmer. Đó là bánh bò nướng của xóm Chăm Châu Phong. Và các đồ ăn, thức uống từ trái thốt nốt thay lời giới thiệu: “An Giang có Tịnh Biên là huyện biên giới với nhiều cây thốt nốt. Từ loài cây trái thiên nhiên này, người dân khéo léo chế biến thành các loại mứt và nước uống”.

Ngoài ra, trong không gian ẩm thực còn có bánh rế, bánh xèo Cần Thơ; các loại muối, bánh canh Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh;... Trong đó, thu hút nhiều khách nhất là không gian ẩm thực Bún quê tôi của Long An. “Quê tôi Cần Đước - Long An/ Nổi danh hạt gạo Nàng thơm Chợ Đào/ Sinh ra từ hạt ngọc trời/ Tạo nên tinh túy vùng quê yên bình/ Nào là bún mắm, bún riêu.../ Cùng các loại bún lừng danh khắp vùng/ Dù ai đi ngược về xuôi/ Nếm từng cọng bún nhớ về quê hương/ Ôi! Quê tôi đó Chợ Đào Long An” - bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ gian hàng ẩm thực Bún quê tôi đọc bài thơ ấy khi giới thiệu với khách tham quan gian hàng ẩm thực Long An.

Không gian ẩm thực “Bún quê tôi” của tỉnh Long An 

Cũng theo bà Chi, Long An vốn nổi tiếng với gạo Nàng thơm Chợ Đào và nghề làm bún truyền thống ở xã Mỹ Lệ. Từ những sợi bún, bà chế biến thành các loại: Bún mắm, bún riêu, bún mọc, bún bò,... để phục vụ thực khách. “Dù bún bò, bún mọc không phải là đặc trưng của Long An nhưng cốt lõi qua từng món bún là tôi muốn giữ lại hương vị tự nhiên, đậm đà chất Nam bộ” - bà Nguyễn Thị Kim Chi bộc bạch.

Cơ hội quảng bá, tạo sự liên kết vùng

Không những giới thiệu những đặc sản của địa phương, mỗi không gian ẩm thực là nơi quảng bá hình ảnh, tạo thành nhịp cầu liên kết các tỉnh, thành phố phía Nam trong việc xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển du lịch. Theo anh Lương Bá Thịnh - nhân viên Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh An Giang, bánh bò nướng, các loại thực phẩm chế biến từ trái thốt nốt như mứt, bánh và nước giải khát đều là đặc trưng, gắn với đời sống của người dân vùng đất An Giang. Qua hoạt động thương mại ẩm thực, khách tham quan được thưởng thức, hiểu được nét văn hóa của An Giang. Điều này sẽ quảng bá hình ảnh, góp phần thu hút khách tham quan đến với An Giang nhiều hơn trong thời gian tới.

Từ những sợi bún, bà Nguyễn Thị Kim Chi chế biến thành nhiều món bún mang đậm hương vị đồng quê

Vùng Nam bộ vốn gắn liền với đời sống miệt vườn sông nước nên văn hóa ẩm thực các tỉnh, thành phố trong khu vực này cũng na ná nhau. Vì thế, để không trùng lắp, không gian ẩm thực của mỗi tỉnh, thành chọn những đặc sản tiêu biểu nhất để giới thiệu đến khách tham quan. “Bánh xèo ở Long An cũng có nhưng Cần Thơ đặc trưng hơn.

Còn bánh tráng Long An vốn được nhiều người ưa chuộng nhưng khi kết hợp muối Tây Ninh tạo thành các món bánh tráng trộn hấp dẫn. Vì vậy, việc liên kết giữa các tỉnh, thành sẽ giảm bớt sự tương tự trong văn hóa ẩm thực của các địa phương và bật lên được nét riêng để thúc đẩy thương mại, du lịch phát triển” - chị Ngô Minh Hiếu, ngụ TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bày tỏ.

Trong đêm khai mạc không gian ẩm thực tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2 - Bình Dương năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Trần Thanh Liêm khẳng định: “Không gian ẩm thực là một trong những điểm nhấn của festival nhằm quảng bá đặc sản của các địa phương, hình thành liên kết vùng trong hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông và Tây Nam bộ”.

Mỗi vùng, miền một đặc sản hòa vào nhau làm thành bức tranh đa sắc màu về ẩm thực vùng Nam bộ tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia. Mỗi không gian ẩm thực cũng là nhịp cầu “đưa đường dẫn lối”, thúc đẩy các tỉnh, thành phố Nam bộ trong việc liên kết phát triển./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích