Tiếng Việt | English

09/03/2024 - 08:30

Đắm mình trong sương mù phố núi Pleiku

“Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương” (Còn chút gì để nhớ, Phạm Duy). Từ những câu hát đó, tôi về thăm TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, nơi được mệnh danh là “phố núi sương mù”, quê hương của vị cà phê nồng đượm. Pleiku là thành phố lớn thứ hai ở Tây Nguyên, sau TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thành phố này nằm trên độ cao trung bình từ 700-800m, là nơi sinh sống hòa thuận của nhiều dân tộc anh em, nhiều nhất là người Kinh, người Jrai và người Bana.

Ngoại ô Pleiku

Đường đến Pleiku

Đường vào phố núi Pleiku những ngày tháng ba vẫn còn lác đác những bông hoa dã quỳ bên đường. Tiết trời Pleiku mùa này không lạnh, không nóng nhưng khá mát mẻ và làm dịu lòng lữ khách xa xôi.

TP.Pleiku đón tôi vào một buổi chiều hạ rơi xuống những mái nhà cổ kính xen lẫn những tòa nhà hiện đại, những đồi thông nằm xen lẫn với thị thành. Khoảnh khắc đứng ở quảng trường Đại Đoàn Kết, tôi nhận ra Pleiku mặc dù cùng nằm trong vùng Tây Nguyên nhưng không lẫn lộn với những thành phố khác như TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Pleiku mang dáng dấp riêng, mang những nét vừa hiện đại, vừa hoài cổ, đậm chất văn hóa chỉ nơi này mới có. 

Đến Pleiku, tôi đắm mình trong sắc xanh của ngàn thông và biển chè mênh mông. Hai bên đường vào buôn làng có hoa phượng vĩ, hoa dã quỳ; cà phê trên rẫy kết trái đỏ ửng; hoa dại bên đường lung linh đủ sắc màu, hương thơm thoang thoảng khắp núi đồi.

Một buổi sáng, sau khi thưởng thức vội tách cà phê nóng nguyên chất, tôi “vén” sương mù tìm đường đến thăm Biển Hồ Pleiku, ngắm nhìn “đôi mắt em” xanh biếc giữa đại ngàn nắng gió. Từ Biển Hồ, tôi đi đến hàng thông trăm tuổi (huyện Chư Păh) đẹp như tranh vẽ.

Những biển chè đong đưa trong gió, sắc xanh bạt ngàn đổ dài xuống những thung lũng xa xôi. Qua khỏi cánh đồng cổ tích, tôi đến núi lửa Chư Đăng Ya - ngọn núi lửa lớn ở Tây Nguyên nay không còn hoạt động nữa mà trở thành một cảnh tượng kỳ vĩ, điểm tô cho Tây Nguyên thêm đẹp, nhất là khi mùa dã quỳ đến.

Ngoài những địa điểm nổi tiếng trên, nội ô Pleiku còn có nhiều nơi đáng để lữ khách đến trải nghiệm, dù chỉ một lần. Đó là Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, chùa Minh Thành - ngôi chùa hoành tráng và linh thiêng bậc nhất Gia Lai, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Nhà lao Pleiku, Công viên Diên Hồng,...

Những địa điểm này không chỉ “níu hồn” du khách bởi phong cảnh tuyệt vời mà còn bởi những giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của TP.Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

“Thiên đường” ẩm thực

Không chỉ lãng mạn, hữu tình về cảnh sắc thiên nhiên, Pleiku còn là “thiên đường ẩm thực”, quê hương của nhiều món ăn trứ danh. Từ “lòng chảo” nắng gió Krông Pa (một huyện xa của tỉnh Gia Lai), khô bò một nắng đã lan rộng đến TP.Pleiku, làm nên nét đặc trưng của ẩm thực Gia Lai nói chung, cùng với muối kiến vàng, muối é - những loại gia vị chấm mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Gà nướng ăn kèm cơm lam chắc chắn là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của thực khách mỗi khi về thăm TP.Pleiku xinh đẹp.

Món bún cua “thối” - cái tên “đậm mùi” nhưng hương vị lại hấp dẫn không thể nào quên. Nổi tiếng nhất ở Gia Lai là món phở hai tô, một tô đựng phở khô, hành phi, thịt băm, tóp mỡ; một tô đựng nước dùng thanh thanh. Vị thơm, thanh, ngọt của nước dùng hòa lẫn với vị của thịt, vị béo của tóp mỡ, hành phi,... chắc chắn sẽ nương náu trong lòng du khách lúc rời xa.

Biển chè Pleiku

Một buổi chiều đi trên những con dốc mềm mà nhà thơ Văn Công Hùng từng ví von độc đáo: “Dốc như cánh võng bung biêng nhấp nhô trong mắt lữ hành. Và thông, cổ tích mà non tơ mà thánh thiện trong trường tồn như giấc mơ của tạo hóa gửi xuống cuộc đời này để minh chứng cho sự bất tử của thiên nhiên”; nhâm nhi với nhà thơ Ngô Thanh Vân vài ba câu chuyện về văn, về đời và nghe “sơn nữ” Lữ Hồng - cô gái trẻ đầy nghị lực thỏ thẻ bên tai,... tôi cảm thấy cuộc đời sao bình yên quá! TP.Pleiku đẹp đẽ và thơ mộng, con người Pleiku nồng hậu, nghĩa tình, lãng mạn, đắm say,... Hình như tôi yêu TP.Pleiku và cảm thấy gắn bó với vùng đất này tự dạo ấy!./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết