Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 09:26

Đất rừng phương Nam: Chưa bao giờ phim Việt lại 'nóng' như vậy!

Đất rừng phương Nam - dự án điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, đã công chiếu rộng rãi trên hệ thống rạp cả nước. Bộ phim ngay từ giai đoạn công bố poster, nhạc phim đến khi ra mắt đã nhận được vô số tranh cãi. Bên cạnh những lời khen dành cho độ đầu tư quy mô, bối cảnh và âm nhạc giàu cảm xúc, kịch tính,... phim còn nhiều “sạn”.

Một số hình ảnh trong phim

Một số hình ảnh trong phim

Tranh cãi trang phục phim Việt xưa: Biết rồi, sao vẫn cứ sai?

Ở Đất rừng phương Nam, phần gây tranh cãi lớn nhất nằm ở trang phục của Trấn Thành trong MV Bài ca Đất phương Nam, cũng chính là nhạc phim Đất rừng phương Nam. Theo đó, trang phục của Trấn Thành trong MV gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Trong các bình luận, khán giả và cả giới chuyên môn cho rằng, trang phục của nhân vật trong vai bác Ba Phi không thuần Việt, không phải là trang phục của người dân Nam bộ với chiếc áo bà ba vốn là biểu tượng văn hóa hàng trăm năm qua.

Không chỉ vậy, đông đảo khán giả nhận định trang phục của các diễn viên trong phim đa số là của người Trung Quốc, chi tiết dễ nhận thấy ở chiếc cúc áo, bởi cúc áo của người Việt sẽ nhỏ gọn hơn chứ không lớn như trên áo của các nhân vật trong phim,... Theo một khán giả, “điện ảnh có quyền phá cách nhưng văn hóa mang tính biểu trưng, biểu tượng, là hồn cốt của dân tộc thì phải được bảo vệ và bảo tồn”.

Trong Đất rừng phương Nam, MV nhạc phim cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả với đủ ý kiến khen, chê. Riêng vị trí xuất hiện khá nổi trội của Trấn Thành (vai bác Ba Phi) mặc áo dài trong tạo hình và nhân vật đã gây tranh cãi. Trong hình ảnh MV với bộ trang phục “không giống ai” đã khiến nhiều khán giả thất vọng, bày tỏ sự khó chịu.

Cùng với đó, cách mà một số nhân vật trong MV choàng chiếc khăn rằn một bên vai cũng bị cho là không thuần Việt, không truyền tải được nét văn hóa đặc trưng của con người vùng đất Nam bộ - bối cảnh của phim. Bởi người Việt ở Nam bộ thường quàng khăn qua cổ, đeo trên trán, buộc ngang thắt lưng,... chứ không choàng một bên vai như vậy.

Một số ý kiến cho rằng, Trấn Thành không nhất thiết phải mặc đúng trang phục bám sát hình ảnh nhân vật trong phim vì đây chỉ là quay MV nhạc phim, không đại diện cho hình ảnh trong tác phẩm. Thế nhưng, nhạc phim là hồn vía, là tinh thần của tác phẩm, nếu như không thể hiện được tính đại diện và sự yêu mến của khán giả thì thông điệp anh mang lại có còn ý nghĩa gì?

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm

Theo Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân, kịch bản phim Đất rừng phương Nam được viết theo màu sắc của ngôn ngữ kịch hơn là điện ảnh. Một số lời thoại dài dòng, thậm chí mang màu sắc độc thoại của kịch, chẳng hạn như cảnh bé An và bé Xinh cùng ngồi ngắm trăng và nhớ mẹ.

Nhiều câu nói mang màu sắc đạo lý, không phù hợp với nhịp độ, diễn tiến nhanh của phim và logic ngôn ngữ đời sống. Thầy Bảy nói với bé An: “Thầy cũng là người yêu nước giống cha con. Nhưng thầy chọn dùng lời ca tiếng hát để đánh động trái tim của mọi người”.

Nhân vật Hai Thành - cha của bé An, thì thống thiết ngay trong cuộc họp nghiêm túc với người đồng chí của mình: “Tôi đã vì việc nước mà quên việc nhà, nay tôi phải làm trách nhiệm của người cha, người chồng. Việc nước xin anh gánh vác. Trí, tôi mong cậu hãy thay tôi chỉ huy...”. Ở cảnh gần cuối phim, khi bé An gặp cha, hai người lại tiếp tục ôm nhau nói đạo lý.

“Một số chi tiết có thể nói là khá thô thiển, lặp đi lặp lại trong phim nhiều lần. Chẳng hạn như những cảnh 2 nhân vật An và Út Lục Lâm ngồi cầu tiêu trên con rạch nói chuyện. Ngôn ngữ đối thoại và tiếng động đặc tả khá thô tục. Chi tiết “đánh rắm” cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không chỉ với hành động của bé An và Út Lục Lâm mà còn ngay cả với lời thoại của nhân vật má An, người phụ nữ được xây dựng với hình tượng nền nã, thương con, sẵn sàng hy sinh vì con. Những điều này làm cho mỹ cảm của người xem phim khó chịu. Hay chuyện nhân vật Út Lục Lâm hóa trang thành bà đầm Pháp, ngồi xuống giả vờ đi... tè, tuy là để gây cười nhưng khá thô tục” - Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân phê bình.

Nhiều chuyên gia nhận định, Đất rừng phương Nam hội đủ yếu tố của một tác phẩm vừa giải trí, vừa nghệ thuật; vừa lấy lịch sử làm chất liệu cho phim và cũng có tính hư cấu, sáng tạo. Phim lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học cùng tên đã đi sâu vào ký ức của biết bao người Việt từ thời thơ ấu đến nay - Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.

Trước đó, bản phim truyền hình Đất phương Nam vốn đã quá thành công, là một tác phẩm kinh điển của phim Việt thì việc (tạm gọi là) làm mới tác phẩm với một phiên bản điện ảnh chắc chắn sẽ bị soi kỹ. Tuy nhiên, đây cũng chính là yếu tố thú vị cho Đất rừng phương Nam và cho thị trường điện ảnh vốn rất cần sự phản biện, tranh luận, đi sâu vào phân tích, mổ xẻ những cái được và chưa được, từ đó hướng tới một nền điện ảnh sinh động, nghệ thuật hơn.

Xung quanh câu chuyện tranh luận về nội dung Đất rừng phương Nam, trên trang cá nhân, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ: “Xin làm ơn đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan”. Đạo diễn của Tro tàn rực rỡ phân tích, một bộ phim truyện luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật.

Do đó, để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn cái thực tế mà bộ phim dựa vào. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá cái thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay là căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.

Hình ảnh trong phim

“Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà bộ phim thể hiện. Cái giày này không đúng thực tế thời kỳ đó, ở vùng đó, người dân ở đấy không mặc cái áo đó, người ta không bắn súng như thế,... Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan” - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ.

Dù thành hay bại, Đất rừng phương Nam sẽ là một dấu mốc lớn của điện ảnh Việt về nhiều khía cạnh, đặc biệt là tính thách thức những quan niệm, định kiến. Đây cũng có thể xem là phép thử xem khán giả đã có thể chấp nhận việc làm lại, vay mượn những nhân vật văn học, truyền hình kinh điển để làm mới những cái vốn đã quen thuộc. Đánh giá, nhận xét là quyền của mỗi người. Chỉ ra những cái chưa hay, chưa đúng cũng là điều cần thiết để có những bộ phim tiếp theo hay hơn. Đất rừng phương Nam trước mắt đã thành công ở góc độ tạo hiệu ứng lan tỏa, về sự quan tâm của khán giả ở nhiều giới, nhiều ngành dành cho phim Việt.

Một nhà bình luận phân tích, làm nghệ thuật, đa phần có thể không hướng đến mục đích tạo thị phi - tranh cãi, nhưng dường như vô hình trung chính yếu tố này làm cho nghệ thuật thêm sinh động, thêm cọ xát và trưởng thành. Đất rừng phương Nam là một trường hợp như thế. Chưa bao giờ phim Việt lại “nóng” như lúc này./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết