Tiếng Việt | English

17/09/2021 - 14:25

Đấu đá nội bộ đe dọa tương lai của Taliban

Sau khi tiếp quản quyền lực ở Afghanistan, Taliban đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc đảm bảo đoàn kết giữa các phe phái nội bộ tới việc điều hành một đất nước đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nguy cơ thảm họa nhân đạo.

Với những người bên ngoài, các nhân vật cứng rắn trong nội bộ Taliban có vẻ như đoàn kết và thống nhất trên mọi vấn đề cả về quan điểm và chiến lược.

Nhưng cũng giống như bất cứ tổ chức chính trị lớn nào khác, nhóm Hồi giáo tồn tại nhiều thập kỷ này cũng có những chia rẽ, đối địch và phe phái.

Rạn nứt vẫn nằm trong tầm kiểm soát suốt quá trình 20 năm chống lại chính phủ Kabul cũng như lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan. Nhưng khi kẻ thù chung đã bị đánh bại, chỉ vài tuần sau khi tiếp quản quyền lực, sự chia rẽ của Taliban bắt đầu lộ rõ hơn.


Phó Thủ tướng lâm thời Baradar là người dẫn đầu các cuộc đàm phán giữa Taliban với Mỹ ở Doha. Ảnh: AFP

Bất đồng phe phái nội bộ

Trong tuần trước, đã xảy ra cãi vã giữa các thành viên cấp cao của Taliban ngay tại dinh tổng thống ở Kabul về việc những ai xứng đáng được ghi công vì sự rút quân của Mỹ và các vị trí quyền lực cần phải phân chia như thế nào.

BBC dẫn lời các quan chức cấp cao Taliban cho biết, thành viên sáng lập và Phó Thủ tướng lâm thời Mulllah Abdul Ghani Baradar đã tranh cãi gay gắt với Bộ trưởng lâm thời phụ trách người tị nạn Khalil ur-Rahman Haqqani - lãnh đạo cấp cao của mạng lưới Haqqani, trong khi những người ủng hộ của 2 nhân vật này đã lao vào đẩu đả với nhau.

Một số tin đồn cho rằng, ông Baradar đã bị thương, thậm chí tử vong trong cuộc ẩu đả này. Tuy nhiên sau đó, văn phòng chính trị của Taliban tại Doha đã đăng tải đoạn video ông Baradar trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTA, bác bỏ các tin đồn ông bị thương trong cuộc ẩu đả nội bộ.

Ông Niamatullah Ibrahimi, một chuyên gia về Afghanistan tại Đại học La Trobe của Australia cho rằng, việc bổ nhiệm chính phủ lâm thời của Taliban đã cho thấy những căng thẳng chính trị trong nội bộ lực lượng này và có thể kéo theo nhiều vấn đề trong tương lai.

Các vai trò chính được phân chia giữa các nhân vật kỳ cựu của Taliban, giữa những người có nguồn gốc ở Kandahar - nơi khai sinh Taliban trong đó có ông Baradar và các thành viên Haqqani, mạng lưới có mối quan hệ với Al Qaeda và cơ quan tình báo (ISI) quyền lực ở Pakistan.

Trong chính quyền Taliban cai trị những năm 1990, phe phái Kandahar chiếm chủ đạo, nhưng nhiều thành công quân sự gần đây của Taliban lại là nhờ mạng lưới Haqqani.

“Chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của các mạng lưới Haqqani. Họ là hành phần tinh vi hơn cả trong các chiến dịch quân sự của Taliban. Họ duy trì các mối liên kết quan trọng với Al Qaeda và Cơ quan tình báo ISI ở Pakisstan, nhưng cũng có căn cứ sức mạnh riêng ở Afghanistan”, ông Ibrahimi nói.

“Công thức cho xung đột”

Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh mạng lưới Haqqani bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố và treo thưởng 10 triệu USD để bắt giữ, nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ - cơ quan đóng vai trò chủ chốt đối với sự cai trị của Taliban.

Ông Graeme Smith, cố vấn cấp cao tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, việc lựa chọn Sirajuddin Haqqani làm Bộ trưởng nội vụ trong chính phủ mới của Taliban là một sự lựa chọn hoàn toàn dễ hiểu.

“Sirajuddin Haqqani là người tập hợp các đơn vị chiến đấu hàng đầu Taliban”, ông Smith cho biết.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Haqqani cũng khiến các nước phương Tây khó công nhận chính phủ Taliban và “rã băng” các khoản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan ở Mỹ.

Thất bại trong việc đảm bảo nguồn tiền và sự công nhận của nước ngoài có thể được xem là một đòn giáng vào Baradar - nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán với phương Tây dẫn tới việc Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Nếu không được quốc tế công nhận, Taliban sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistsan và cả nguy cơ “thảm họa nhân đạo”.

Theo các chuyên gia, sự đối địch giữa các phe phái nội bộ Taliban cũng có thể dấy lên nhiều vấn đề với các nước láng giềng của Afghanistan.

Các thành phần ngoài Taliban và cả các phe phái Taliban ở phía Tây Afghanistan, bao gồm cả những nhóm có mối liên hệ với Vệ binh Cách mạng Iran đều không có chỗ trong chính phủ mới ở Afghanistan.

“Taliban đã quyết định đi ngược lại cam kết về một chính phủ bao trùm, phớt lờ đề nghị từ các chính trị gia hàng đầu Afghanistan cũng như các nước trong khu vực về việc đưa các thành phần không thuộc nhóm này vào ban lãnh đạo cấp cao. Điều này tốt cho sự đoàn kết của Taliban và thu hút những người ủng hộ họ, nhưng lại khiến các thành phần khác ở Afghanistan cũng như cộng đồng quốc tế không hài lòng”, ông Smith nói.

Theo ông Ibrahimi, các cường quốc khu vực như Iran hay Nga có thể trở lại cung cấp nguồn lực cho các nhóm ủy nhiệm để bảo vệ lợi ích của họ tại Afghanistan.

“Đây là công thức cho xung đột bạo lực cũng như sự phản kháng của các thành phần khác ở Afghanistan và là cơ hội để các thế lực trong khu vực tận dụng để đối đầu với Taliban”, ông Ibrahimi nói./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết