Tiếng Việt | English

05/08/2015 - 17:15

Đẩy nhanh công tác chuyển giao, chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 26 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), với 45 công chứng viên được bố trí đều khắp tại 15 huyện, thị xã, thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

15/15 địa phương đã thực hiện chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch về bất động sản (BĐS) từ UBND cấp huyện, xã cho các TCHNCC. Giám đốc Sở Tư Pháp Long An - Trần Minh Mẫn cho biết: “Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công chứng, phục vụ tích cực cho công cuộc CCTP”.

Người dân đến công chứng tại Văn phòng công chứng Mỹ Lạc, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa

Với những nỗ lực và cố gắng của ngành Tư pháp Long An, những năm qua, hiệu quả công tác CCTP theo Nghị quyết 49 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày càng đạt mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng dần ý thức tuân thủ pháp luật và bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về BĐS.

Theo số liệu của Sở Tư pháp, từ năm 2010 đến nay, các TCHNCC đã thực hiện 546.086 việc, tổng số tiền nộp ngân sách trên 33 tỉ đồng. Từ những kết quả đã đạt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều Luật Công chứng, Bộ Tư pháp yêu cầu: Ở các địa bàn đã chuyển giao thì đề nghị cho giữ nguyên để bảo đảm ổn định, không đặt vấn đề chuyển giao ngược lại vì việc chuyển giao có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thêm: Sắp tới, tỉnh sẽ sơ kết 5 năm thực hiện công tác chuyển giao, đánh giá kết quả đã đạt, có biện pháp chấn chỉnh để công tác chuyển giao đạt hiệu quả cao nhất, tách bạch giữa chứng thực và công chứng, bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các giao dịch có liên quan đến tài sản, BĐS; tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công chứng một cách sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, nhất là với các cơ quan trong khối bảo vệ pháp luật để ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản trước và sau khi tuyên bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; khai thác và sử dụng hiệu quả lợi ích từ phần mềm quản lý hồ sơ công chứng và phần mềm ngăn chặn trong hoạt động công chứng.

Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nội dung liên quan đến công chứng và vay vốn ngân hàng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh sai phạm, đồng thời yêu cầu Văn phòng công chứng trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các TCHNCC bảo đảm tốt nhất nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh.

Hiện nay, tại một số huyện vùng Đồng Tháp Mười, nông dân có nhu cầu vay vốn rất lớn nên xảy ra hiện tượng quá tải tại TCHNCC, một số người dân vùng sâu, biên giới đi lại rất khó khăn, do đó, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển các TCHNCC trên địa bàn tỉnh theo hướng, thành lập thêm các văn phòng công chứng tại các huyện khu vực Đồng Tháp Mười./.

Đ.Lâm
 

 

Chia sẻ bài viết
  • Sao không để cho UBND cấp xã chứng thực hợp đồng giao dịch như Luật Đất đai quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

    Dương Thanh Hồng - Cách đây 8 năm