Tiếng Việt | English

10/06/2024 - 20:07

Đến Ninh Thuận, khám phá 4 Bảo vật Quốc gia thuộc Di sản Văn hóa Chăm

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai.

Bảo vật quốc gia Tượng thờ vua Pô Klong Garai hiện đang được thờ tại tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). (Ảnh: Nguyễn Thành/ TTXVN)

Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận là vùng đất lưu giữ những dấu ấn "vàng son" của nền văn hóa Chăm, với hệ thống các đền tháp cổ kính, những lễ hội truyền thống đặc sắc và phong tục tập quán mang đậm bản sắc.

Nổi bật trong số đó là các hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia, thu hút du khách từ các nơi đến thưởng lãm, khám phá. Tỉnh Ninh Thuận có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai.

1. Bia Hòa Lai

Bia Hòa Lai được phát hiện trong đợt đào khảo cổ của dự án tu bổ tháp Hòa Lai. Bia có niên đại khá sớm khoảng cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận giới thiệu Bảo vật Quốc gia bia Hòa Lai. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Bia còn khá nguyên vẹn, được khắc bởi ba mặt bằng chữ Phạn (Sanskrit), nội dung ghi lại là căn cứ để xem xét lịch sử xây dựng các tháp ở Hòa Lai, lịch sử triều đại, lịch sử tín ngưỡng tôn giáo trên vùng đất Panduranga thời kỳ Hoàn Vương.

Bia Hòa Lai là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc tiêu biểu của nền văn hóa Chăm đã từng phát triển sức rực rỡ từ thế kỷ 2I đến thế kỷ 17 trên mảnh đất miền Trung Việt Nam ngày nay.

Bia Hòa Lai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 9, năm 2020) vào ngày 31/12/2020.

2. Phù điêu Vua Pô Rômê

Phù điêu Vua Pô Rômê có niên đại vào thế kỷ 17, là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt, hiện được lưu giữ tại di tích tháp Pô Rômê, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Là tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm, Phù điêu Vua Pô Rômê được tạc bán thân chiếm hết phần dưới và giữa tấm bia đá; được đục đẽo, chạm trổ trên bề mặt tảng đá được bào mòn một cách cẩn trọng, tinh vi và rất khéo léo từ đôi bàn tay xưa của nghệ nhân Chăm, mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt cuối cùng của vương quốc Champa - một trong những vương quốc cổ tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, gắn liền với sự nghiệp của vị vua cuối cùng của dân tộc Chăm.

Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Phù điêu thể hiện những đặc trưng tôn giáo và tín ngưỡng, văn hóa xã hội, cũng như nghệ thuật điêu khắc của vùng đất Panduranga ở thời kỳ phát triển cao kéo dài suốt nhiều thế kỷ.

Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo mang đậm nét đặc trưng, phong cách văn hóa Champa giai đoạn sau cùng có ảnh hưởng đến các di tích và tác phẩm nghệ thuật đương thời.

Phù điêu Vua Pô Rômê đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 9, năm 2020) vào ngày 31/12/2020.

3. Bia Phước Thiện

Bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992, tại cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Bia có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 8 - đầu thế kỷ 9, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

Trên hai mặt tấm bia được khắc chữ Phạn (Sanskrit). Bia Phước Thiện mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa lúc bấy giờ - là thời kỳ trị vì của vua Satyavarman.

Bảo vật Quốc gia Bia Phước Thiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Văn khắc đã gợi mở niên đại xây dựng ngôi đền tháp tại khu vực này, mang giá trị lịch sử triều đại, lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như lịch sử kỹ thuật văn khắc của vùng đất Panduranga ở thời kỳ phát triển cao kéo dài suốt nhiều thế kỷ.

Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa riêng của người Chăm và là văn bản cổ quý hiếm, tác phẩm văn học phản ánh về đời sống kinh tế xã hội, phản ánh tài năng, công đức của các vị vua lúc bấy giờ, thể hiện giá trị nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu của nền văn hóa Chăm.

Bia Phước Thiện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 12, năm 2023) vào ngày 18/01/2024.

4. Tượng thờ Vua Pô Klong Garai

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai có niên đại khoảng thế kỷ 16-17, ; hiện được thờ tại tháp Pô Klong Garai, Phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai là tác phẩm điêu khắc cổ quý hiếm, thể hiện hình ảnh Thần-Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Champa.

Tượng được tạo tác thành một phù điêu bán tượng tròn nổi trên một trụ đá hình tròn, được đục, chạm trổ cẩn trọng, khéo léo trên chất liệu đá thể hiện tính mỹ thuật cao, tay nghề tinh mỹ và cũng thật độc đáo về hình tượng Mukhalinga nhưng không có đầu thần Shiva mà thay vào đó là tượng vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của một vị thần tối cao là thần Shiva tượng trưng cho sự hủy diệt, huyền ảo, uy quyền và bất diệt, cùng hình ảnh vị vua oai nghiêm đầy sáng tạo trong điều hành đất nước và chăm lo cho hạnh phúc của muôn dân.

Đó sự kết hợp phong cách độc đáo giữa tinh thần tôn giáo Ấn Độ và tư duy tín ngưỡng bản địa, thể hiện vương quyền và thần quyền nhất thể.

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 12, năm 2023) vào ngày 18/01/2024./.

Ra Ninh Thuận xem người Chăm nặn gốm

Ra Ninh Thuận xem người Chăm nặn gốm 

Nhắc đến gốm Bàu Trúc, nhiều người nhớ đến chất thô, chất mộc của từng sản phẩm gốm. Để gốm Bàu Trúc có thể cạnh tranh trên thị trường, những nghệ nhân người Chăm bắt đầu học hỏi làm gốm mỹ nghệ và đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/den-ninh-thuan-kham-pha-4-bao-vat-quoc-gia-thuoc-di-san-van-hoa-cham-post956359.vnp

Chia sẻ bài viết