Tiếng Việt | English

28/03/2017 - 20:36

Đến Tây Nguyên Thưởng thức cơm lam, gà sa lửa

Một lần đi dọc Quốc lộ 14, ghé thăm các tỉnh Tây Nguyên; đi đến đâu, bạn bè cũng đãi khách phương xa món ăn quen thuộc của vùng này - cơm lam, gà sa lửa. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên mà ngày nay đã trở thành đặc sản của vùng núi rừng...

Ấn tượng cơm lam

Ở Tây Nguyên, đời sống đồng bào gắn với núi rừng nên văn hóa ẩm thực cũng không nằm ngoài đặc trưng ấy. Thức ăn của đồng bào Tây Nguyên thường tận dụng những thứ có sẵn từ thiên nhiên như tre, nứa, thịt rừng, rau rừng,... với hình thức chủ yếu là nướng.

Một trong những món nướng ấy phải kể đến cơm lam. Theo lời của một số người dân có “thâm niên” gắn bó với vùng đất cao nguyên, cơm lam là món ăn mà đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường mang theo trong những chuyến vào rừng, lên nương, phát rẫy. Vì không có xoong nồi, đồng bào dân tộc cho gạo vào những ống nứa và nướng để dùng,... Còn ngày nay, cơm lam của đồng bào dân tộc đã vào các quán ăn, nhà hàng ở Tây Nguyên và là đặc sản để giới thiệu với bạn bè các nơi.

Để có những ống cơm lam ngon, gạo nấu cơm lam phải là loại nếp Nương còn hương lúa mới – một loại nếp của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhất là ở tỉnh Đắc Lắk. Nhưng, ngon nhất là loại nếp tan - vì theo người Tây Nguyên, loại nếp này khi nấu chín sẽ dẻo cơm và hương thơm thoang thoảng rất hấp dẫn.

Công đoạn làm ra một ống cơm lam cũng lắm công phu, bài bản! Nếp vo sạch ngâm khoảng 2 giờ, thêm một ít muối và trộn đều rồi cho vào ống nứa cùng với nước. Nứa dùng để nướng cơm lam là loại nứa ngô, còn non được chặt lấy ngang phần mắt. Gạo và nước cho vào thật chặt trong ống nứa, đầu còn lại dùng lá chuối bịt kín và được vùi vào bếp than hồng để nướng Khi vỏ ống nứa chuyển từ màu xanh sang màu vàng cháy xém và nghe mùi thơm thoang thoảng từ các ống cơm lam lan tỏa là lúc cơm đã chín. Thực khách có thể dùng cơm lam chung với muối mè để cảm nhận trọn vẹn vị ngọt, mặn, độ dẻo hòa quyện vào mùi thơm của từng ống cơm lam.

Giữa phố núi, câu chuyện của những người con đại ngàn cùng khách phương xa sẽ càng thân tình bên những ống cơm lam mang đậm chất Tây Nguyên. Những ống cơm mộc mạc, giản đơn như cái tình của người phố núi vì thế đã níu hồn biết bao thực khách khi đến với vùng đất cao nguyên này.

Thơm ngon gà sa lửa

Nếu chỉ dùng cơm lam chung với muối vừng thì vẫn chưa “bài bản”. Món ăn mộc mạc này sẽ càng hấp dẫn nếu dùng chung với món gà sa lửa. Gọi là gà sa lửa vì cách chế biến khá độc đáo. Người chế biến thường dùng một thanh tre hoặc nứa kẹp gà nguyên con và để gần bếp lửa cháy bùng khoảng 3 giờ. Khác với cách nướng gà ở nhiều nơi khi cho gà trực tiếp lên than, gà sa lửa ở Tây Nguyên thì chín dần bằng hơi lửa nên vàng đều, không bị khét.

Ngoài cách nướng khá lạ, để có món gà sa lửa thật hấp dẫn, nguyên liệu cũng là yếu tố quan trọng. Món ăn này sẽ thơm, ngon hơn nếu những con gà được chọn để nướng là gà thả vườn vì thịt dai, săn chắc và ngọt,...

Để thêm đậm đà, gà trước khi nướng được ướp với một vài loại gia vị như muối hột, ớt xanh và lá é. Khi gà vàng đều, mùi hương bốc lên thơm lừng cũng là lúc món gà sa lửa đã chín. Gà sa lửa thường chấm với muối lá é - một loại lá có vị chan chát, chỉ có ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Gà sa lửa khi dùng thường xé tay, từng miếng thịt dai, ngọt hòa trong mùi thơm và vị mặn, chát của đồ chấm tạo nên sự mặn nồng, hấp dẫn với những ai thưởng thức.

Cơm lam, gà sa lửa có thể gọi là cặp đôi hoàn hảo, để lại ấn tượng với những thực khách một lần thưởng thức. Tất cả hương vị núi rừng như hòa quyện vào văn hóa ẩm thực đặc sắc này, để rồi những ai một lần đến Tây Nguyên cứ nhớ mãi cơm lam, gà sa lửa!

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết