Tiếng Việt | English

19/02/2024 - 10:17

Di tích lịch sử Gò Gòn - 'Địa chỉ đỏ' về nguồn của thế hệ trẻ

Tọa lạc tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, Khu di tích lịch sử Gò Gòn là một trong những công trình văn hóa mang giá trị truyền thống, ghi dấu chiến công anh dũng của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó, nơi đây còn là "địa chỉ đỏ" về nguồn của đoàn viên, thanh niên.

Ban Chấp hành các Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở thuộc Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức chuyến đi về nguồn tại Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Ban Chấp hành các Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở thuộc Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức chuyến đi về nguồn tại Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Vùng đất anh hùng

Từ trước thế kỷ XVIII, những cư dân đầu tiên đến vùng rìa Đồng Tháp Mười khai khẩn đất hoang, lập làng, lập ấp đã thấy một gò đất cao nằm giữa cánh đồng trũng, đỉnh gò là một cây gòn nhiều năm tuổi, tán lá rậm rạp, thân to 3 người ôm không xuể. Vì vậy, họ đặt tên cho nơi này là Gò Gòn, nay là ấp Gò Gòn thuộc xã Hưng Thạnh.

Địa danh Gò Gòn được lưu truyền đến ngày nay gắn liền với những chiến thắng hào hùng, vẻ vang của quân, dân ta trước quân đội Mỹ xâm lược. Trong suốt những năm kháng chiến, Gò Gòn thuộc địa bàn Vùng 8 của tỉnh Kiến Tường.

Phong trào Đồng Khởi bùng nổ (1960-1961), Tỉnh ủy Kiến Tường chủ trương phối hợp đơn vị 402 cơ động tỉnh với đơn vị 408 đang hoạt động tại chỗ, quyết liệt tiêu diệt bọn bảo an, dân vệ, trừ khử các địa chủ trong vùng. Tỉnh ủy cũng tìm mọi cách đột nhập vào những khu trù mật, dinh điền, cùng người dân phá khu gom dân của địch để giành quyền làm chủ cơ sở.

Sáng ngày 02/02/1960, quân ta tổ chức phục kích tại sân lúa một địa chủ ở ấp Ba Gò, xã Hưng Điền để chặn đánh tiểu đội bảo an từ Sông Trăng kéo sang; phục kích ở đường Xe, ấp Kinh để chặn bọn tiếp viện. Khoảng 7 giờ ngày 03/02/1960, nghe tin quân địch đang tìm diệt ta, Ban Chỉ huy đơn vị 402 và 408 cấp tốc thành lập lực lượng tham gia trận đánh gồm Chỉ huy trưởng - Lê Văn Hiền, Chính trị viên - Hà Tây Giang, Chỉ huy phó - Huỳnh Nho cùng hơn 90 cán bộ thuộc 2 đơn vị và 2 tiểu đội du kích xã Vĩnh Thanh.

Sau khi thành lập Ban Chỉ huy trận địa, lực lượng ta bắt đầu tiến hành phục kích tiêu diệt dịch ở cánh đồng phía nam Gò Gòn. Khi quân địch tiến vào trận địa phục kích, quân ta chia làm 2 cánh tấn công chính diện và nổ súng đánh thọc sườn, sau đó truy kích địch đến Gò Rọc Chanh. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, bộ đội ta tiêu diệt được 50 tên, bắn bị thương 70 tên, bắt sống 21 tên, trong đó có Đại úy Tiểu đoàn trưởng quân địch.

Quân ta tịch thu thêm 39 súng, 5 máy thông tin PRC.1, du kích và nhân dân sau này còn nhặt được trăm khẩu súng các loại tại Gò Gòn. Trận chiến này đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn chủ lực Ó Đen của quân Ngụy và đại đội bảo an quân Tuyên Bình.

Chiến thắng Gò Gòn mở đầu cho phong trào Đồng Khởi lan rộng, bùng nổ trên khắp các mặt trận Đồng Tháp Mười với hàng chục đồn địch bị tiêu diệt, 5 khu trù mật bị tàn phá, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh một phía” của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng Gò Gòn từ đây đánh dấu chiến công vẻ vang của nhân dân tỉnh Kiến Tường nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng, góp phần vào trang sử đấu tranh anh dũng của tỉnh Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. 

Nơi lưu giữ các giá trị truyền thống

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, địa danh Gò Gòn được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử vào ngày 27/02/1997. Từ năm 2003, chính quyền huyện Tân Hưng đã đầu tư kinh phí xây dựng Bia chiến thắng Gò Gòn, đến năm 2012, tiếp tục trùng tu, xây dựng làm Khu di tích lịch sử Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng với tổng kinh phí 13 tỉ đồng, trong đó, ngân sách của tỉnh 11,6 tỉ đồng, huyện hỗ trợ 1,4 tỉ đồng.

Ngày 20/01/2022, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng tổ chức lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Gò Gòn, chính thức đưa nơi đây đi vào hoạt động. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của khu di tích, chính quyền các cấp không ngừng tạo điều kiện cho thế hệ hôm nay có dịp học tập, hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc.

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hưng Thạnh - Ngân Minh Thuận, Đoàn xã nhận trách nhiệm chăm sóc Khu di tích lịch sử Gò Gòn. Để giữ gìn khu di tích, bảo tồn các giá trị truyền thống theo thời gian, Đoàn xã thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh, hoa xung quanh khuôn viên, bảo đảm an ninh trong khu di tích.

Vào các ngày lễ lớn, hoạt động Ngày Chủ nhật xanh, Thứ bảy tình nguyện, Đoàn xã đều vận động đoàn viên, thanh niên ra quân dọn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường trong và ngoài khu di tích.

Đoàn xã Hưng Thạnh chọn khu di tích là nơi tổ chức kết nạp đoàn viên cho các thanh, thiếu niên và tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa truyền thống của địa phương.

Hàng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), UBND xã tổ chức đến thắp hương, thăm viếng khu di tích; đồng thời, phối hợp Hội Cựu chiến binh xã tổ chức buổi họp mặt để kể cho thế hệ hôm nay về những ký ức khắc nghiệt nhưng hào hùng trong đấu tranh.

Đoàn Thanh niên xã Hưng Thạnh tổ chức dọn dẹp, phát quang bụi rậm tại Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Đoàn Thanh niên xã Hưng Thạnh tổ chức dọn dẹp, phát quang bụi rậm tại Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Từ khi chính thức đưa vào hoạt động đến nay, Khu di tích lịch sử Gò Gòn còn trở thành "địa chỉ đỏ" để đoàn viên, thanh niên đến tham quan, tìm hiểu, học tập lịch sử; thực hiện các chuyến đi về nguồn ý nghĩa, góp phần phát huy lòng tự hào, tình yêu đất nước, dân tộc trong lòng mỗi người dân.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức chuyến về nguồn tại các "địa chỉ đỏ" ở huyện Tân Hưng, trong đó có Khu di tích lịch sử Gò Gòn. Có dịp đến tham quan, lắng nghe những trang sử vẻ vang của địa danh anh hùng, nhiều đoàn viên, thanh niên không khỏi bồi hồi, xúc động.

Phó Bí thư Chi đoàn cơ sở Sở Xây dựng - Lưu Thị Thanh Hằng chia sẻ: “Đây là hoạt động ý nghĩa giúp tôi có thêm kiến thức về lịch sử của dân tộc. Khi nghe lại câu chuyện đấu tranh anh dũng của quân, dân ta, tôi càng hiểu thêm về tinh thần chiến đấu vì dân tộc của chiến sĩ. Từ đó, tôi có ý thức rèn luyện bản thân và tích cực đóng góp sức mình trong việc xây dựng đất nước”.

Lịch sử hào hùng của dân tộc đã đi qua với bao chiến công hiển hách còn để lại. Di tích lịch sử Gò Gòn là một trong những "địa chỉ đỏ" về nguồn để thế hệ hôm nay có thể tham quan, học tập; thể hiện lòng tri ân, tinh thần tự hào về công cuộc giải phóng dân tộc của cha anh; có ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống đến mai sau./.

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết