Tiếng Việt | English

03/08/2021 - 08:49

Dịch COVID-19: Điều chỉnh chiến lược chống dịch trước biến thể Delta

Các biện pháp về cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và điều trị sớm, đồng thời tăng tốc tiêm chủng đại trà.


Vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do biến thể Delta đang lây lan nhanh trên khắp thế giới, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phòng chống COVID-19 để kịp thời ứng phó và ngăn chặn dịch bùng phát mất kiểm soát.

Các biện pháp về cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và điều trị sớm, đồng thời tăng tốc tiêm chủng đại trà.

Một số quốc gia có độ bao phủ tiêm chủng chưa thực sự cao cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa hoặc tái áp dụng những biện pháp hạn chế, tránh đẩy hệ thống y tế vào nguy cơ quá tải trong làn sóng lây nhiễm mới.

Tại châu Á, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã đồng loạt báo động, triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng với hàng triệu người, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm kiểm soát đợt bùng phát được xem là mạnh nhất trong nhiều tháng qua tại nước này.

Ít nhất 18 trên tổng số 31 tỉnh và thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc đã báo động dịch bệnh khi có hơn 300 ca lây nhiễm trong nước được phát hiện trong 10 ngày qua, đặc biệt là các điểm nóng mới như các thành phố Nam Kinh, Trương Gia Giới, Trịnh Châu...

Tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông, nhà chức trách đã tiến hành 3 đợt xét nghiệm axit nucleic toàn diện, với hàng trăm điểm xét nghiệm cố định và di động, đồng thời thiết lập 6 phòng xét nghiệm bơm hơi tiên tiến, có thể sàng lọc lên đến 1,8 triệu người mỗi ngày bằng cách sử dụng phương pháp xét nghiệm hỗn hợp.

Chính quyền thành phố du lịch Trương Gia Giới ở tỉnh miền Trung Hồ Nam truy vết hơn 5.000 người trên toàn quốc từng tham dự lễ hội sân khấu tại đây, đồng thời phong tỏa toàn bộ 1,5 triệu cư dân và đóng cửa tất cả các điểm thu hút du lịch.

Chính quyền đã yêu cầu người dân ở nhà, ngoài các phương tiện được sử dụng cho trường hợp khẩn cấp, tất cả các phương tiện khác trong thành phố không được phép lưu thông kể từ trưa 1/8.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh hạn chế người dân, các phương tiện, hãng hàng không và tàu hỏa từ những khu vực có các ca nhiễm COVID-19 vào thành phố.

Hàn Quốc đã gia hạn thời gian giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 8/8 tới, đồng thời đang nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng bằng cách mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang nhóm dân số trẻ hơn (độ tuổi từ 18 đến 49).

Hàn Quốc đặt mục tiêu tới tháng 9/2021 tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 70% dân số. Nước này cũng khuyến nghị sinh viên đến từ các quốc gia có ca mắc COVID-19 do biến thể Delta nhập cảnh Hàn Quốc sau khi tỷ lệ tiêm chủng ở Hàn Quốc là 70% hoặc cao hơn.

Nhật Bản liên tục mở rộng phạm vi áp dụng và gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế.

Một hội đồng của Bộ Y tế Nhật Bản đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho những người từ 40 tuổi trở lên trong bối cảnh nguồn cung vaccine thiếu hụt, đồng thời mở rộng thêm độ tuổi tiêm chủng vaccine của Moderna.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ đã triển khai 3 điểm tiêm vaccine cho các công dân nước này hồi hương tại 2 sân bay quốc tế lớn gồm Narita (2 địa điểm) và Haneda (1 địa điểm) với công suất lên đến hàng trăm lượt/ngày.

Tại Đông Nam Á, Indonesia triển khai 17.000-18.000 nhân viên truy vết COVID-19 tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng Tám.

Cảnh sát và quân đội đã được huy động nhằm tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca dương tính.

Sau 6 tháng kể từ khi phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc, đến nay mới khoảng 10% trong tổng số hơn 270 triệu dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa phê chuẩn áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhất tại vùng thủ đô Manila, bao gồm 16 đô thị nhỏ là nơi sinh sống của hơn 13 triệu dân, từ ngày 6-20/8, đồng thời ra lệnh mở chương trình tiêm chủng cho mọi người dân muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chỉ có 6% trong tổng số 110 triệu dân ở Philippines đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trước cuối năm nay.

Campuchia đã quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm 2 mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac.

Lực lượng tuyến đầu chống dịch, khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba.

Tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel hay Mỹ, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số biện pháp hạn chế cũng được áp dụng trở lại cùng việc khuyến khích ngày càng nhiều người đi tiêm chủng.

Israel tái triển khai hệ thống thẻ xanh (Green pass) nhằm siết chặt kiểm soát việc đi lại của người dân. Theo quy định, thẻ xanh được cấp cho những người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine.

Thẻ được sử dụng để gặp gỡ hoặc tham dự các sự kiện tập trung từ 100 người trở lên, bao gồm phòng tập, nhà hàng, hội nghị, địa điểm du lịch, địa điểm thờ tự tôn giáo…

Những người trưởng thành chưa tiêm vaccine sẽ được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 sẽ không cần trình phiếu xét nghiệm âm tính.

Israel cũng tiêm bổ sung mũi vaccine thứ ba cho người cao tuổi để tăng khả năng miễn dịch ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao này.

Chính phủ Mỹ đưa ra một loạt biện pháp mới để thúc đẩy người dân tiêm vaccine, trong đó có yêu cầu nhân viên liên bang phải chứng minh đã tiêm vaccine, nếu không sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.

CDC Mỹ cũng khuyến cáo tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên tại các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 đeo khẩu trang bất kể đã được tiêm chủng hay chưa.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Washington cũng đã xác nhận sẽ không dỡ bỏ bất kỳ hạn chế đi lại quốc tế nào hiện có.

Các quốc gia ở châu Âu cũng đã áp dụng những chiến lược mới nhằm khống chế biến thể Delta.

Tại Italy, từ ngày 6/8 tới, người dân phải xuất trình thẻ xanh để vào rạp chiếu phim, viện bảo tàng, bể bơi trong nhà, sân vận động thể thao hoặc khi dùng bữa trong nhà hàng.

Thẻ xanh có thông tin như chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính hay xác nhận có kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước.

Các chủ doanh nghiệp không thực thi quy định này sẽ phải đối mặt với các khoản phạt nặng. Pháp đã ra quy định sử dụng giấy thông hành y tế trong các hoạt động xã hội thường ngày từ 21/7.

Theo đó, chỉ những người tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ mới được ra vào các địa điểm văn hóa và giải trí.

Từ đầu tháng Tám, quy định này sẽ được áp dụng cho các nhà hàng, trung tâm mua sắm, trên tàu và máy bay cũng như ở bệnh viện và các nhà dưỡng lão.

Hà Lan đã phải đóng cửa các hộp đêm vào tháng này sau khi chỉ vừa mở cửa trở lại hồi cuối tháng Sáu. Việc đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì ở Pháp, Đức và Italy.

Anh, nước đang đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng tại châu Âu tính đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng Chín nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu để kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đến nay đã lan ra 132 quốc gia, trở thành biến thể phổ biến trên toàn cầu, đe dọa "đảo ngược" những thành tựu cộng đồng quốc tế rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19.

WHO cũng khẳng định các vaccine được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể trước nguy cơ bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta,” đồng thời cũng giảm tỷ lệ tử vong.

Bởi vậy, WHO nhấn mạnh các biện pháp riêng lẻ và nỗ lực của từng nước là cần thiết song chưa đủ,nhân loại chỉ có thể đánh bại COVID-19 cùng các biến thể nguy hiểm như Delta nếu chung tay đoàn kết, mà trước hết là đạt được sự công bằng về quyền tiếp cận vaccine.

Như lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, sự bất bình đẳng về vaccine càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc, bởi "không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết