Tiếng Việt | English

06/11/2015 - 11:03

Điểm 10 dành cho nam giới

Bình đẳng nam nữ là thước đo của một xã hội dân chủ, văn minh và tiến bộ. Nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ. Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời, đi vào cuộc sống là những điểm nhấn quan trọng, đặc biệt, việc phát huy kết quả thực hiện mô hình Nam giới điểm 10 là nét son trong thực hiện mục tiêu nam nữ bình quyền, mang đậm bản sắc riêng của Long An.

Tham gia mô hình Nam giới điểm 10, các "đấng mày râu" có thêm mục tiêu, động lực và điều kiện để thực hiện 4 tiêu chí: Thực hiện tốt nghĩa vụ trong gia đình, thủy chung chồng vợ, yêu thương cha mẹ, con cái; tin cậy, quan tâm, giúp đỡ vợ chồng cùng nhau tiến bộ, cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm và giữ gìn tổ ấm của gia đình; nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với bản thân và xã hội; quan tâm giúp đỡ phụ nữ trong cơ quan và ngoài xã hội. Từ mô hình, nam giới phát huy vai trò trong gia đình và ngoài xã hội, qua đó, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển xã hội.

Thời gian qua, từ các nội dung của mô hình Nam giới điểm 10, các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã vận dụng sáng tạo, phù hợp vào điều kiện của mình, có nhiều hình thức hoạt động, biểu dương, động viên kịp thời, kích thích phong trào phát triển rộng khắp. Từ đó, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, tham gia hưởng ứng rộng rãi, tạo sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thực hiện mô hình Nam giới điểm 10 góp phần thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, xã văn hóa. Cũng từ mô hình đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của nam giới trong việc tạo điều kiện tốt để phụ nữ vừa làm tròn trách nhiệm trong gia đình, vừa tham gia công tác ngoài xã hội, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Tuy nhiên, mô hình này mới dừng lại ở các cơ quan, đơn vị với đối tượng chính là cán bộ, công chức, viên chức đã lập gia đình, sức lan tỏa của mô hình vào đời sống dân cư chưa sâu rộng. Người dân vùng sâu, vùng xa ít biết đến và chưa tham gia mô hình. Một số nơi, cơ quan thiếu biểu dương, chưa kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm.

Hiện nay, nhiều tiêu cực, tệ nạn xã hội đang tác động đến gia đình. Nhiều vụ án đau lòng xảy ra ngay tại gia đình, giữa những người thân với nhau, gây tâm lý bức xúc, lo lắng, bất an trong xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là tình trạng gia trưởng, bạo hành xuất phát từ bất bình đẳng giới. Vì vậy, song song với các hoạt động nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ thì việc tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của nam giới hết sức cần thiết. Khi “2 nửa của nhau” cùng nỗ lực chăm lo hạnh phúc thì gia đình mới thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội./.

Kim Quy 

Chia sẻ bài viết