Các hộ dân sinh sống trên Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng thường xuyên thông báo với lực lượng chức năng về tình hình an ninh, trật tự tuyến biên giới
Tạo mọi điều kiện để an cư, lạc nghiệp
Đến nay, tỉnh xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng 113 căn nhà trên Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; Điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng thuộc địa bàn huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Riêng năm 2022, tỉnh đang xây dựng 97 căn, trong đó, Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ xây dựng 80 căn trên địa bàn huyện Đức Huệ.
Triển khai xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2020-2022, tỉnh hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch và vượt chỉ tiêu Bộ Tư lệnh Quân khu giao 73 căn. Cùng với thực hiện hiệu quả “Tuyến sau đỡ đầu tuyến trước”, điểm mới trong xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới của tỉnh là Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chung tay thực hiện.
Ngoài kinh phí Bộ Tư lệnh Quân khu hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng/căn, UBND tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng/căn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 35 triệu đồng/căn từ nguồn kinh phí di dân ra biên giới, các ngành khác hỗ trợ vốn từ 5-10 triệu đồng,...
Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã biên giới hỗ trợ nhân công, ngày công trong quá trình xây dựng. Ngoài tổng số tiền được hỗ trợ là 175 triệu đồng/căn, các gia đình còn góp thêm kinh phí để xây dựng với tổng trị giá mỗi căn nhà từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
Riêng thực hiện xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 3 (2021-2025), Bộ Tư lệnh Quân khu không hỗ trợ kinh phí xây dựng. Bộ CHQS tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh bảo đảm kinh phí xây dựng 10 điểm/58 căn với số tiền 175 triệu đồng/căn.
Để triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án, ngoài những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh còn chủ trì phối hợp các sở, ngành có liên quan cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương xem xét, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình có đất sản xuất gần Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được thụ hưởng, xây dựng nhà đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là không sử dụng đất công để xây dựng mà sử dụng chính mảnh đất của các hộ thụ hưởng; đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ thụ hưởng xây nhà trước, chuyển mục đích quyền sử dụng đất sau nhưng người dân không phải đóng phí.
Tỉnh cũng đầu tư hạ tầng, kết nối công trình phúc lợi, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt đã giải quyết thành công bài toán nan giải về điện, nước sinh hoạt. Ngoài 600 triệu đồng của Bộ Tư lệnh Quân khu hỗ trợ, để bảo đảm vốn đối ứng với nguồn kinh phí của trên, UBND tỉnh đầu tư 169 tỉ đồng kết nối điện lưới quốc gia cho toàn tuyến biên giới của tỉnh và 22,5 tỉ đồng đầu tư cho nước sạch, bảo đảm từng hộ thụ hưởng có cuộc sống ổn định.
Trong đó, giai đoạn năm 2021-2022, tỉnh đầu tư 58,4 tỉ đồng kéo điện thắp sáng, 12,5 tỉ đồng bảo đảm nước sạch; giai đoạn năm 2023-2025, đầu tư 110,6 tỉ đồng cho điện thắp sáng, 10 tỉ đồng bảo đảm nước sạch cho người dân sử dụng. Hiện nay, 100% điểm dân cư liền kề đều có điện, nước sạch để sử dụng. Người dân sinh sống trên các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm, biên phòng đã bắt đầu ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/hộ/năm.
Chung tay thực hiện đề án đúng tiến độ
Để thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 3 và tiếp tục triển khai Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng giai đoạn 2021-2025 đúng kế hoạch, đạt mục đích, ý nghĩa, cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Bộ CHQS tỉnh phát huy tốt vai trò tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đồng thời, phối hợp các ngành chức năng sớm triển khai, thực hiện bảo đảm đúng tiến độ. Các cấp, các ngành cùng vào cuộc, chung tay thực hiện hiệu quả Đề án, hoàn thành kết thúc giai đoạn 3 đúng thời gian quy định.
Hai là, tiến hành khảo sát, điều chỉnh và thống nhất xây dựng điểm dân cư phải mang tính chiến lược về quốc phòng, an ninh. Các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm, chốt biên phòng được bảo đảm về điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh, có sóng phát thanh - truyền hình, sóng thông tin di động,... Các địa phương rà soát đúng đối tượng thụ hưởng. Tỉnh ưu tiên cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, bộ đội biên phòng, quân nhân dự bị có hoàn cảnh khó khăn, người dân sinh sống dọc theo đường tuần tra biên giới có đất sản xuất, tình nguyện sinh sống trên điểm dân cư biên giới.
Ba là, bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân tại điểm dân cư để an tâm sinh sống, bám đất, bám biên cương, qua đó xây dựng tình đoàn kết quân - dân, thúc đẩy vùng biên phát triển, xây dựng tình hữu nghị, hợp tác, phát triển với các địa phương của nước bạn Campuchia.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong thực hiện chủ trương lớn của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, thể hiện “ý Đảng hợp lòng dân”.
Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng trên địa bàn bên cạnh thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên tuyến biên giới, còn tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc vành đai biên giới từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình./.
Đại tá Trần Vinh Ngọc - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh