Tiếng Việt | English

12/10/2020 - 19:28

Diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới “khó lường”

Thế giới hôm nay (12/10) ghi nhận hơn 37,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong, gần 70.000 người bệnh nặng và trong tình trạng nguy kịch, chiếm 1%.

Hiện tình hình dịch bệnh ở một số nước hết sức đáng quan ngại, trong khi một số điểm nóng như Ấn Độ và Brazil đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 8 triệu ca mắc và gần 220 ca tử vong. 

Tại châu Âu, Phó cố vấn y tế của Chính phủ Anh - ông Jonathan Van-Tam hôm qua (11/10) cho biết, nước này đang ở "bước ngoặt" của khủng hoảng Covid-19 và kêu gọi cần phải nhanh chóng hành động ngay lập tức để tránh lịch sử “lặp lại lần nữa”, ám chỉ làn sóng Covid-19 tồi tệ lần thứ nhất xảy ra hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, tuần qua (từ ngày 5-11/10), số ca mắc mới Covid-19 tại Anh là khoảng 224.000 người, gần gấp đôi so với số ca mắc trong tuần trước đó. Ông Van Tam cảnh báo Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan nhanh trên khắp nước Anh chứ không chỉ ở phía bắc vùng England như hiện nay.

Cũng chung quan ngại đó, Thị trưởng thủ đô Moscow, ông Sergei Sobyanin thừa nhận thành phố này một lần nữa phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Theo ông, các bệnh viện tại Moscow đang ngày càng chật kín bệnh nhân, số bệnh nhân nặng ngày càng tăng – phải chăm sóc đặc biệt, thở máy. Ngay tỷ lệ tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên ông Sobyanin cho rằng, việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân Moscow có thể bắt đầu sau vài tháng nữa.

Tại Italy, hôm qua (11/10), Bộ Y tế nước này cho biết đang chuẩn bị loạt biện pháp hạn chế mới trên toàn quốc nhằm ứng phó đại dịch. Theo Bộ này, Italy cần tăng cường các biện pháp hạn chế sau khi đã nới lỏng hạn chế trong những tuần qua, nhằm tránh phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc thêm lần nữa. Ông đề xuất cấm các bữa tiệc cá nhân, trong khi thành phố Rome sẽ giới hạn giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp khác có thể liên quan đến những môn thể thao đòi hỏi tiếp xúc gần nhưng khó đeo khẩu trang.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun nhận định, Đức mới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ hai và chỉ có quyết tâm của các chính trị gia và người dân mới quyết định được việc có tránh được xu hướng này hay không. Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận sâu hơn với các Thủ hiến bang trong ngày 14/10.


Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil ngày 20/5. Ảnh: AFP.

Khác với xu hướng bùng phát trở lại, những ngày qua, số ca mắc mới tại 2 điểm nóng bậc nhất thế giới là Ấn Độ và Brazil lại đang có xu hướng giảm. Trong bối cảnh như vậy, một số bang tại Brazil tiếp tục nới lỏng các hạn chế; trong khi người dân Ấn Độ vẫn tỏ ra  hết sức cảnh giác trước dịch bệnh.

“Trước số ca mắc mới, chúng tôi không thể làm gì. Về các biện pháp phòng ngừa, tôi không biết, tôi cảm thấy việc phong tỏa là lựa chọn duy nhất”.

“Bất cứ khi nào chúng tôi phải đến một nơi nào đó, dù là bến xe hay nhà ga, chúng tôi phải bước ra và đó là cách chúng tôi có thể kiếm sống. Tuy nhiên, chúng tôi phải tuân theo các quy tắc  như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay sau khi chạm vào thứ gì đó”.

Liên quan công tác phòng ngừa dịch bệnh, Viện Nghiên cứu Sinh học của Israel hôm qua thông báo sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người từ ngày 21/10, theo 3 giai đoạn. Hiện Viện đang chờ Ủy ban Helsinki phê duyệt các nghiên cứu và thử nghiệm trên người.

Cũng liên quan đến Covid-19, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Virology, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra virus SARS-CoV-2 có thể sống tới 28 ngày trên các bề mặt như màn hình điện thoại di động và máy ATM./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết