Tiếng Việt | English

26/12/2018 - 14:40

Diễn tập vận hành hệ thống cảnh báo trong tình huống sóng thần

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tổ chức buổi diễn tập “Cơ chế vận hành hệ thống cảnh báo thiên tai trong tình huống có sóng thần” tại 6 điểm cầu.

Sơ đồ giả định có sóng thần được phát đi từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đến Hội nghị ngày vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo tình huống giả định, lúc 8 giờ 45 phút ngày 26/12, Trung tâm Cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương và Trung tâm cảnh báo sóng thần Tây Thái Bình Dương phát cảnh báo sóng thần đối với toàn khu vực Biển Đông, trong đó có dải ven biển Việt Nam. Độ cao sóng thần được dự báo giao động từ 1,5m đến trên 7m, tùy từng vùng. Thời gian tấn công của sóng thần bắt đầu từ 8 giờ 55 phút đến 12 giờ 30 phút, tùy từng địa điểm. Đối với Việt Nam, dự báo vùng ảnh hưởng lớn nhất sẽ là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với độ cao sóng trên 5m, thời gian tấn công từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút.

Nhận được thông tin, từ 9 giờ 20 phút đến 9 giờ 41 phút cùng ngày, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi 3 tin cảnh báo sóng thần theo hình thức qua tin nhắn đến điện thoại di động của các trực ban và phát thanh trên hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu tại 30 trạm đặt tại các địa phương ven biển của thành phố Đà Nẵng để yêu cầu khẩn trương sơ tán nhân dân ngay lập tức.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, những diễn biến về tình hình thiên tai trên thế giới và trong khu vực ngày càng cực đoan, bất thường trong đó có động đất, sóng thần. Tuy trong lịch sử chưa ghi nhận song nguy cơ có thể xảy ra sóng thần tại Việt Nam do đứt gãy tại khu vực máng biển sâu Manila (Philippine). Nếu xảy ra sóng thần, thời gian ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 2 tiếng, các vùng biển nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao, trong đó giai đoạn 1 sẽ thực hiện thí điểm tại 2 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam. Đến nay, dự án đã xây dựng hoàn thành 51 trạm trong đó tại Đà Nẵng 30 trạm, Quảng Nam 21 trạm.

Giám đốc dự án Hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu Phạm Hồng Thanh cho biết, đây là chương trình khoa học công nghệ hiện đại do Tập đoàn Viettel phát triển và cung cấp, đưa vào sử dụng nhằm khai thác cảnh báo sóng thần để giảm thiểu thiệt hại. Hệ thống cảnh báo gồm các thiết bị: Hệ thống loa để phát còi ủ và âm thanh bằng giọng nói (phát xa tối đa 1-2 km tùy theo điều kiện thời tiết); hệ thống đèn cảnh báo 5 màu (theo 5 cấp độ rủi ro thiên tai). Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo tại nhiều khu vực nguy cơ cao xảy ra sóng thần trên cả nước.

Theo Giám đốc Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, về quy trình cảnh báo tin sóng thần là hợp lý trong đó nội dung, kịch bản phát tin, âm thanh, hình ảnh rõ ràng… nhưng vấn đề truyền tin cần rút kinh nghiệm từ cơ quan phát tin và các đầu cầu, trung tâm điều hành ở các địa phương đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể hơn cho các tàu thuyền ra khơi; xem xét điều chỉnh sự phối hợp thông tin giữa các đơn vị cảnh báo sóng thần chặt chẽ hơn.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đánh giá, buổi diễn tập cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, tuy vậy nội dung bản tin cần quyết liệt hơn để các cấp, các ngành và người dân chủ động; cần nói rõ cụ thể thời gian, địa điểm, cấp độ rủi ro sóng thần sẽ tấn công để có phương án ứng phó với mọi tình huống. Trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tại địa phương để triển khai kịp thời.

Đóng góp kinh nghiệm về buổi diễn tập, các đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam và Đà Nẵng cũng cho rằng, về kịch bản diễn tập nội dung đầy đủ nhưng các bản tin chưa có phản ánh hiện trường trước và sau khi xảy ra sóng thần, các thao tác sử dụng tin nhắn cần nhanh chóng, khẩn trương, tránh sai sót... Ngoài ra, cần cụ thể hóa danh sách và khoanh vùng gửi tin nhắn, các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để triển khai tốt hơn trong một số buổi diễn tập tiếp theo./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết