Tiếng Việt | English

17/06/2017 - 15:08

Điều chỉnh quy hoạch, mở rộng phần giá trị ngành da giày Việt Nam

 

Khách tham quan các gian hàng máy móc sản xuất giày. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025, sự tăng trưởng nhanh về đầu tư, gia tăng quy mô, đưa da giày trở thành ngành có đóng góp lớn về xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo các năm và đạt hơn 16 tỉ USD vào năm 2016.

Mặc dù vậy, đến nay nhiều nhân tố chủ quan và khách quan đã xuất hiện tác động lớn đến sự phát triển của ngành và đặt ra yêu cầu có sự điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn sản xuất cũng như quá trình hội nhập sâu rộng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da-giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt năm 2010 tại Quyết định số 6209/QĐ-BCT ngày 25/10/2010, đến nay, một số mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong quy hoạch đã và đang được thực hiện khá tốt. Đó là cơ bản hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Việc liên doanh, liên kết với mọi thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển mạnh.

Ngành đã tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, xây dựng các nhà máy mới với quy mô lớn, thiết bị, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất của ngành.

Hầu hết các doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu da giày, cho biết một trong những nguyên nhân tác động thúc đẩy sự phát triển của ngành da giày là do sự chuyển dịch sản xuất da giày sang các nước có nhân công rẻ; có các ưu đãi đầu tư và tranh thủ cơ hội do các Hiệp định thương mại (FTA) mang lại.

Việc này diễn ra mạnh mẽ trong 5 năm qua và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, quan trọng hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu của ngành.

Tuy nhiên, đi cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành là sự xuất hiện những trở lực đến từ các yếu tố khách quan, chủ quan.

Trước hết là quá trình hội nhập sâu rộng đi kèm với các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía các nhà nhập khẩu và khách hàng tiêu dùng quốc tế, cũng nh­ư các yêu cầu trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện phúc lợi cho ng­ười lao động.

Điều này đang tạo những khó khăn và làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Về chủ quan, do sản xuất theo hình thức gia công là chủ yếu (trên 70%) đã hạn chế hiệu quả và sự năng động của các doanh nghiệp.

Hiện tại, phần giá trị mà ngành da giày Việt Nam có được mới chỉ chiếm từ 25-30% chuỗi giá trị, chủ yếu là chi phí sản xuất gia công, trong khi giá trị lớn hơn nằm ở lĩnh vực thiết kế, thương hiệu, phân phối sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.

Ngoài ra theo ông Khôi, doanh nghiệp trong nước thiếu vốn, thiếu công nghệ tiên tiến và đội ngũ kỹ thuật cao cấp và năng lực quản trị chưa cao.

Một bộ phận lớn các doanh nghiệp trong nước ch­ưa chủ động tiếp cận đư­ợc thị tr­ường xuất khẩu mà vẫn phải gia công xuất khẩu qua trung gian nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị hạn chế và dễ bị biến động do lệ thuộc vào khách hàng.

Ngành cũng ch­ưa phát triển đồng bộ giữa công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu (cả thuộc da) với sản xuất giày dép. Nhiều loại nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, đặc biệt các nguyên liệu làm mũ giày.

Giá trị gia tăng từ tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm giày dép, túi xách vẫn còn thấp (khoảng 35-40%); trong đó, chủ yếu gồm các phụ liệu thứ yếu là đế giày, chỉ khâu, keo, phom... Còn nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất giày dép là da thuộc và da nhân tạo vẫn đang phải nhập khẩu tới 60-70%.

Các ngành chế tạo máy, cơ khí chính xác tại Việt Nam chưa có khả năng sản xuất máy móc, thiết bị, khuôn mẫu cho sản xuất da-giày, nên các doanh nghiệp phải tốn chi phí lớn để nhập khẩu máy móc, phụ tùng từ nước ngoài. Đó là những yếu tố dẫn tới năng suất lao động ngành giày Việt Nam còn thấp.

Từ các tồn tại trên, hiện nay Bộ Công Thương đang tập hợp, lấy ý kiến điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Nội dung chủ yếu điều chỉnh quy hoạch lần này, nhằm phân tích, đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng phát triển và các tiềm năng, lợi thế của ngành da giày, đồng thời, tìm ra những khó khăn, hạn chế, thách thức cần chỉnh sửa và khắc phục trong thời kỳ quy hoạch.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, cho biết Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu từ 35-38 tỉ USD vào năm 2025 và nâng lên 50-60 tỉ USD vào năm 2035.

Theo mục tiêu của Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, ngành da giày sẽ phát triển với tốc độ cao, giữ vững vị trí ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành da giày giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 11,62%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 8,87%/năm; bổ sung giai đoạn 2026-2035 đạt 6,04%/năm.

Chỉ số phát triển công nghiệp trung bình của ngành giai đoạn 2016-2020 đạt mức tăng trưởng 10,51%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 8,02%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 5,46%/năm.

Ngành da giày phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2020 từ 24-26 tỉ USD; năm 2025 từ 35-38 tỉ USD và năm 2035 đạt từ 50-60 tỉ USD.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân trong các giai đoạn này lần lượt là 10-11%/năm; 8-9%/năm và 4-5%/năm. Tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm phấn đấu năm 2020 đạt 45%, năm 2025 đạt 47% và năm 2035 đạt 55%.

Như vậy, so với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt năm 2010, quy hoạch được điều chỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành da giày giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng khoảng 2,82%/năm; giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 0,67%/năm và bổ sung giai đoạn 2026-2035 đạt 6,04%/năm.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích