Tại cuộc họp Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 sáng 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế đã sửa đổi phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc.
Theo đó tới đây, ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, qua phân tích diễn biến lâm sàng các ca bệnh ghi nhận được, 80% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Trong 20% bệnh nhân còn lại, có 5% bệnh nhân diễn biến nặng, 0,5-1% diễn biến nguy kịch.
(Điều trị bệnh nhân COVID-19: Ảnh minh họa)
Trước đây, Bộ Y tế phân thành 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh và đông, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm, chính sách.
"Dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học, chúng tôi cũng đã xây dựng hướng dẫn thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm COVID-19 tại nhà", Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê cho biết, khi đó, mỗi gia đình trở thành "home care" hay một phòng y tế.
Ngoài vấn đề hướng dẫn theo dõi, điều trị, Bộ Y tế lưu ý vấn đề cách ly ca nhiễm COVID-19 với những người trong gia đình, đảm bảo không lây nhiễm chéo cho gia đình và cộng đồng. Để việc quản lý ca nhiễm COVID-19 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng cường tư vấn bằng công nghệ thông tin như zalo, điện thoại, zoom, viber để tư vấn cho họ cũng là yêu cầu được Bộ Y tế đặt ra.
Vấn đề sử dụng thuốc ở gia đình với các ca COVID-19 điều trị tại nhà cũng rất quan trọng, theo đó, Bộ Y tế có chiến lược cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình. Túi thuốc này gồm thuốc đông y, thuốc bồi bổ sức khoẻ và tăng khả năng miễn dịch...
"Tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình và cộng đồng cũng được nhấn mạnh. Điều này sẽ giúp người bệnh an tâm, không bị kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo", ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng nhấn mạnh, mô hình quản lý, điều trị ca nhiễm COVID-19 tại nhà này phải áp dụng đúng nơi và có điều kiện đi kèm. Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy ca nhiễm COVID-19 nhẹ và ít triệu chứng có thể điều trị, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, ở nước ngoài, mô hình về xã hội học, điều kiện sống của họ khác với Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
"Gia đình của họ chỉ có 1-2 người, ít thế hệ. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà ở khu vực đông dân cư hoặc nông thôn, mô hình gia đình, thậm chí có cả tứ đại đồng đường, có cả người cao tuổi và trẻ em cùng sinh hoạt chung. Trong một khuôn viên không rộng, để đảm bảo sinh hoạt riêng rồi điều kiện chăm sóc đáp ứng yêu cầu… là vấn đề cần phải quan tâm, xem xét", PGS.TS Khuê lưu ý việc này vì phải phù hợp điều kiện kinh tế, văn hoá Việt Nam, mô hình gia đình, mô hình bệnh tật, điều kiện kinh tế.
Bộ Y tế sẽ áp dụng thí điểm mạnh mẽ cho TP.HCM và các địa phương có số ca bệnh gia tăng. Y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ địa phương được giao phụ trách các khu vực. Từ đó, thiết lập mạng lưới bác sĩ tình nguyện để tư vấn sức khoẻ cho các cụm dân cư qua ứng dụng công nghệ.
"Phải triệt để thực hiện chiến lược 5K + vaccine + thuốc + công nghệ. Các vấn đề này cần đảm bảo lồng ghép, nhuần nhuyễn với nhau trong các khu vực", ông Khuê nhấn mạnh./.
Thiên Bình/VOV.VN