Tiếng Việt | English

17/02/2025 - 13:15

Đình Phước Lý - 'Chứng nhân' lịch sử

Nép mình dưới những tán cây, đình Phước Lý trầm mặc và chứa đựng những chuyện về lịch sử, truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Ngôi đình không chỉ là nơi thờ tự mà còn là "chứng nhân" cho những thăng trầm của lịch sử, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Phước Lý (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nói riêng và Long An nói chung.

Đình Phước Lý (huyện Cần Giuộc) ngày nay vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ

Mặc dù nằm sâu trong ấp nhưng cổng đình Phước Lý lại được bố trí gần mặt Đường tỉnh 835B. Từ ngã ba Phước Lý, theo Đường tỉnh 835B khoảng 2,5km sẽ thấy cổng đình bên phải. Dòng chữ Phước Lý đình trung và 2 câu đối trên cổng đình được khắc hoàn toàn bằng chữ Hán với nội dung:

Lấy phước dựng cửa đình,

thời vận tốt luôn luôn đến

Dùng nghề nông làm lộc,

tuổi nào cũng đặng bình an.

Không người dân nào rõ đình Phước Lý được xây dựng năm nào nhưng ai cũng chắc tuổi đình phải lên đến trăm năm. Bà Trần Thị Măng (ấp Phước Lý, xã Phước Lý) kể: “Từ ngày tôi còn nhỏ, ba tôi đã là hội hương của đình Phước Lý, bây giờ tôi đã ngoài 80 thì chắc chắn đình có ở đây khoảng gần 200 năm. Từ trước tới nay, đình thờ Thần và có một vị quan có mũ cánh chuồn chuồn. Ngày lễ Kỳ yên hàng năm vừa cầu bình an, vừa là ngày giỗ của ông”.

Vị quan mà bà Măng nhắc đến được các nhà nghiên cứu cho là Tổng đốc Định Biên - Võ Duy Ninh, người đã tuẫn tiết tại thôn Phước Lý vào ngày 18/02/1859, khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định. Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết về Võ Duy Ninh: "Ông là vị tướng lĩnh cao cấp hy sinh đầu tiên trong Nam thời giặc Pháp cướp nước ta”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Ngoài thờ Thần Hoàng bổn cảnh như hiện nay, người dân Phước Lý trước đây đã tôn vinh ông Võ Duy Ninh như một vị thần và thờ tại đình. Ngày mất của ông tính theo Âm lịch là 16 tháng Giêng năm Kỷ Mùi. Ngày này trùng hợp với ngày cúng Kỳ yên của đình. Thời điểm Võ Duy Ninh tuẫn tiết cũng trùng với khoảng thời gian ra đời của đình Phước Lý. Trong hệ thống thờ tự đình làng Nam Bộ nói chung hiếm có ngôi đình nào thờ mũ cánh chuồn và cặp kiếm trên bàn thờ thần. Trong khi đó, đình Phước Lý thờ những vật trên, chứng tỏ người dân nơi đây đã thờ ông Võ Duy Ninh như một vị thần”.

Nghi thức dâng rượu cho bàn thờ Tổng đốc Định Biên - Võ Duy Ninh trong lễ Kỳ yên tại đình Phước Lý

Theo lời kể của Chánh Hội hương đình Phước Lý - Võ Tây Phiên, xưa kia, đình là ngôi miếu nhỏ, dân làng chỉ cúng thần có 1 lệ vào ngày 16 và 17 tháng Giêng. Đến lần cúng thứ 3, có một vị hương chức sau khi cúng đình về được thần mách bảo phải cúng thêm 2 lệ nữa trong năm. Vì vậy, dân làng tổ chức thêm lễ Tống phong (tháng 3) và lễ Cầu bông (tháng 10). Từ đó, mỗi năm, dân làng Phước Lý mới cúng thần 3 lệ cho đến ngày nay.

Câu chuyện lịch sử đình Phước Lý trong dân gian nhuốm màu huyền thoại, tuy nhiên, có phải chăng nguyên nhân chính để ngôi miếu nhỏ trở thành đình Phước Lý chính là che mắt thực dân để thờ cúng một vị quan yêu nước mà người dân tôn kính. Bởi khi thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ, ngôi miếu nhỏ thờ vị quan chống Pháp tất nhiên không thể nào tồn tại. Trong khi đó đình làng lại là thiết chế văn hóa chính thống tại các vùng quê Việt Nam ta.

Võ Duy Ninh có tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu là Trúc Nghiêm, sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong, tỉnh Quảng Ngãi.

- Năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834), ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định và được bổ chức Hành tẩu Bộ Lại.

- Năm 1847, ông được thăng lên Bố chính Phú Yên.

- Năm 1852, ông được triều đình điều về làm Tham tri Bộ Lại.

- Năm 1858, mẹ ông mất. Vì thế, ông về quê cư tang 3 tháng theo quy định của triều đình.

Sau khi chịu tang mẹ, tháng 11/1858, triều đình cử ông vào Nam giữ chức Hộ đốc thành Gia Định.

Đầu năm 1859, ông được thăng làm Tổng đốc Định Biên (2 tỉnh: Gia Định và Biên Hòa). Ông vừa nhậm chức được 2 ngày thì tàu của thực dân Pháp vào cửa Cần Giờ, nổ súng tấn công thành Gia Định. Ông đã chỉ huy quân sĩ chống giặc gần một tháng trời. Với sức mạnh về vũ khí, giặc Pháp đã phá được các pháo đài dọc sông và công hãm thành Gia Định. Trước tình thế nguy ngập, Võ Duy Ninh chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính, đồng thời hiệu triệu binh lính các tỉnh Nam Kỳ về cứu viện. Tuy nhiên, trước sức tấn công mãnh liệt của quân Pháp, thành Gia Định đã thất thủ ngày 17/02/1859.

Thành mất, Võ Duy Ninh cùng binh sĩ chạy về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc (nay thuộc xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) rồi tuẫn tiết tại đây vào ngày 18/02/1859.

(Tóm tắt Di tích lịch sử Đình Phước Lý)

Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phước Lý là nơi che chở lực lượng cách mạng, đồng hành cùng Đảng và Nhân dân Phước Lý đánh đuổi ngoại xâm.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là địa điểm hoạt động của thanh niên Tiền Phong do Đảng lãnh đạo, cũng là nơi tổ chức lớp bình dân học vụ từ năm 1946-1949.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lực lượng cách mạng chọn đình Phước Lý làm nơi cất giữ vũ khí trước khi chuyển giao cho bộ đội và du kích trong giai đoạn từ năm 1961-1964. Đình cũng là nơi đứng chân hoạt động của một số cán bộ Huyện ủy Cần Đước, Cần Giuộc để lãnh đạo, củng cố và phát triển phong trào cách mạng địa phương.

Trải qua mấy trăm năm, đình Phước Lý vẫn được người dân gìn giữ. Từng lệ cúng, nghi thức cúng bái đều được bảo tồn như cách người dân Phước Lý nói riêng và Long An nói chung tiếp nối và gìn giữ truyền thống anh hùng, yêu nước.

Ngày nay, ngoài Ban Hội hương thì Đoàn Thanh niên xã cũng được giao chăm sóc đình Phước Lý. Ngoài hoạt động dọn vệ sinh, đoàn viên, thanh niên còn đến thắp hương và ôn lại truyền thống tại đình nhân các ngày lễ lớn trong năm./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết