Tiếng Việt | English

01/04/2023 - 22:30

Dở khóc dở cười trong ngày đầu tiên khóa sim không chính chủ

Nhiều thuê bao dù nhận được tin nhắn thông báo chuẩn hóa từ nhà mạng vẫn chưa bị khóa trong ngày 1/4.

Sim chưa khớp thông tin nhưng không bị khóa, một số sim đã chính chủ lại bị khóa… là những cảnh diễn ra trong ngày đầu tiên khóa sim không chính chủ.

Sim chưa khớp thông tin vẫn chưa bị khóa một chiều

Từ sáng sớm đến chiều tối ngày 1/4, hầu hết các phòng giao dịch của các nhà mạng tại TP.HCM luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí ùn ứ ở các phòng giao dịch nhỏ. Đa phần khách hàng đến để mở khóa một chiều vì chưa chuẩn hóa thông tin kịp thời.

Chiều muộn nhưng các điểm giao dịch của nhà mạng tại TP.HCM vẫn đông kín người. Ảnh: Thu Hà

Chị Thu Huyền (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, từ sáng 1/4, thuê bao của chị đã bị khóa chiều gọi đi, dù thông tin sim theo tin nhắn gửi từ 1414 đã chính chủ.

Tuy nhiên vì chị Huyền đã sử dụng chứng minh nhân dân (CMND-9 số) để đăng ký sim nên vẫn nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao.

“Việc chuẩn hóa thông tin sim của tôi khá rắc rối, nhà mạng không trả lời được thắc mắc của tôi về việc tại sao sử dụng CMND lại không được, dù tôi chưa có căn cước công dân (CCCD). Họ đưa ra phương án giải quyết bằng cách nhờ chồng tôi- người có CCCD đứng tên sim, tức như hình thức chuyển nhượng. Điều này khiến tôi thấy rất bức xúc và tốn thời gian đi đi lại lại nhiều lần”- chị Huyền nói.

Tương tự chị Bùi Lệ (TP.HCM) sau 40 phút chờ đợi tại phòng giao dịch nhà mạng MobiFone đã mở khóa thành công một chiều.

Dẫu vậy chị Lệ không khỏi bức xúc: “Tôi đã cập nhật CMND đến 2 lần với nhà mạng. Một lần từ những năm 2000 (lúc có quy định phải cập nhật thông tin chính chủ) phải chen nhau đến tối tại đường Lý Thường Kiệt để được điền phiếu và nộp CMND bản copy, và một lần nữa là đổi qua sim 4G, đến điểm giao dịch của Mobifone tại Trường Chinh, nhân viên yêu cầu xuất trình bản gốc CMND và yêu cầu ngồi cho nhân viên chụp hình thẻ. Vậy mà đến nay số điện thoại mình xài gần 20 năm giờ tra cứu mới biết nhà mạng chưa cập nhật thông tin.

Mình tự hỏi, nhà mạng yêu cầu gì mình cũng đáp ứng, còn nhà mạng làm việc lôi thôi như vậy thì tại sao không ai kiểm tra việc cập nhật của họ mà cứ mỗi lần có sự kiện gì là đổ lỗi cho người tiêu dùng, làm tốn thời gian chi phí và những bất tiện cho người tiêu dùng đến vậy?".

Trái với chị Huyền, anh Trần Tâm (Tân Bình, TP.HCM), dù nhận được tin nhắn thông báo cần chuẩn hóa thông tin từ nhà mạng nhưng tới ngày 1/4 vẫn chưa bị khóa.

“Tôi đã đăng ký thông tin chính chủ bằng CCCD mới nhất của mình, do đó tôi quyết định không ra đăng ký lại theo yêu cầu của nhà mạng vì tốn thời gian”- anh Tâm nói.

Không chỉ anh Tâm, ông Phạm Trang (Phường 12, Gò Vấp) cũng cho biết, thuê bao của ông đã được đăng ký chính chủ trên ứng dụng của nhà mạng, nhưng không hiểu sao vẫn nhận được tin nhắn từ tổng đài. Tuy nhiên sau khi đối chiếu thông tin thấy đúng hết, nên ông không làm theo yêu cầu của nhà mạng, và thực tế tới chiều 1/4 thuê bao của ông vẫn không bị khóa.

Người không nhận tin nhắn vẫn ra đăng ký

Theo đại diện một phòng giao dịch nhà mạng Viettel tại quận Gò Vấp, trong ngày 1/4, số lượng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao chiếm 99% số lượng khách hàng tới giao dịch trong ngày. Tuy nhiên, có những khách hàng dù không nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng vẫn tới chuẩn hóa vì lo lắng, điều này cũng khiến cho lượng khách tại phòng giao dịch bị quá tải cục bộ.

Các nhà mạng cũng kỳ vọng, sau 1/4, thời điểm thuê bao bị khóa một chiều, số lượng thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ đông hơn và hoàn thiện được 100% theo kỳ vọng.

Trao đổi với PLO, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết, từ ngày 31/3 đơn vị này đã thực hiện khóa chiều gọi đi đối với tất cả các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin vào ngày này và sẽ tiếp tục khóa 1 chiều vào các thời điểm khác nhau (sau 31/3/2023) đối với một số khách hàng khác thuộc diện cần chuẩn hóa lại thông tin thuê bao/xác minh chính chủ.

Đơn vị này cũng cho biết VinaPhone đã thực hiện rà soát thông tin thuê bao của khách hàng rất kỹ, và thông báo liên tục tới thuê bao trước khi tiến hành khóa một chiều. Chính vì thế, rất khó xảy ra trường hợp khóa nhầm các thuê bao đã chính chủ và trùng khớp thông tin.

“Tuy nhiên, nếu có trường hợp như vậy, chủ thuê bao cần liên hệ với tổng đài của nhà mạng hoặc tới điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ”- đơn vị này cho biết./.

Nguyên Hà/plo.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích