Tiếng Việt | English

04/07/2023 - 15:39

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại huyện Cần Đước  

Huyện Cần Đước có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện hoàn thành các tiêu chí huyện NTM và đang trình tỉnh, Trung ương xem xét thẩm định công nhận.

Ngày 04/7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An thực hiện giám sát chuyên đề việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Cần Đước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải chủ trì buổi giám sát.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin một số kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện

Theo báo cáo của UBND huyện Cần Đước, sau gần 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, KT-XH của huyện từng bước có sự phát triển khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Đến nay, huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện huyện đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM và đang trình tỉnh, Trung ương xem xét thẩm định công nhận.

Đại diện các xã, thị trấn phản ánh một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia tại cơ sở

Ngoài ra, theo thống kê, trên địa bàn huyện có 17/17 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 115/115 ấp, khu phố văn hóa; 16/16 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, thị trấn Cần Đước đạt chuẩn văn minh đô thị. Chương trình giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả tích cực, đến cuối năm 2022, hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,65%.

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Cần Đước có sự phát triển vượt bậc (Ảnh: baolongan)

Tại buổi giám sát, đại diện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng cho rằng, hiện nay, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại cơ sở còn một số khó khăn, bất cập. Như việc phân bổ nguồn vốn về cơ sở, trường hợp nguồn vốn phân bổ nhỏ, chỉ nên phân bổ chung cho cấp xã không nên chi tiết để bảo đảm nguồn vốn phân bổ phát huy được hiệu quả.

Các đại biểu trong đoàn thông tin một số kết quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh

Trong huy động vốn từ nhân dân khi triển khai các công trình trên địa bàn xã cần nghiên cứu để huy động 1 lần, không nên huy động nhiều lần, một số công trình đặc thù như đầu tư nhà văn hóa, trạm y tế, trường học nên sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bởi việc huy động từ nhân dân rất khó tạo sự đồng thuận. Ngoài ra, hiện nay, một số địa phương mới được đầu tư xây dựng hội trường, nhưng nếu cứng nhắc phải đạt 200 ghế sẽ dẫn đến lãng phí nếu đầu tư lại,…

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu và kết quả của huyện Cần Đước đối với việc phát triển KT-XH và đối với 2 chương trình giám sát của Quốc hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi giám sát

Đồng thời, ông đề nghị, huyện tiếp tục tuyên truyền theo từng chủ đề chuyên sâu, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia; thường xuyên giám sát để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, lấy người dân là trung tâm trong xây dựng NTM để chương trình thực sự phục vụ nhân dân.

Riêng đối với chương trình giảm nghèo bền vững, huyện cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Bên cạnh đó, huyện cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Đối với những kiến nghị của huyện đến Trung ương, đoàn sẽ tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết./.

Kiên Định – Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết