Tiếng Việt | English

04/06/2024 - 10:53

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: Để Đồng Tháp Mười phát triển bền vững (Bài cuối)

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 690.000ha. Trong đó, Long An chiếm hơn một nửa diện tích. Đây từng là vùng đất nhiễm phèn nặng, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là không thể cải tạo. Sau gần 50 năm, với những quyết sách đúng đắn và táo bạo của Trung ương lẫn địa phương, vùng đất hoang hóa năm nào đã “thay da, đổi thịt”.

Bài cuối: Để Đồng Tháp Mười phát triển bền vững

Câu chuyện để Đồng Tháp Mười (ĐTM) phát triển bền vững đặt ra nhiều bài toán mà toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Đó là những hạn chế, khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, lũ không về, hạn, sạt lở hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp; việc xây sửa, nâng cấp các tuyến giao thông giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương được thuận tiện hơn;...

Theo Kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực tỉnh Long An đến năm 2025 và 2030, huyện Tân Thạnh được quy hoạch 1.400ha mít, 300ha sầu riêng vào năm 2025 (Trong ảnh: Vườn sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh)

Phát triển cây, con thích hợp với địa phương

Việc phát triển cây ăn quả, nuôi thủy sản tại vùng ĐTM giờ đây không còn lạ vì việc chuyển đổi mang lại lợi ích về kinh tế cho nông dân. Tân Thạnh là huyện được quy hoạch có diện tích cây ăn quả lớn nhất ĐTM với 2 loại cây chủ lực là mít và sầu riêng. Theo kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực tỉnh Long An đến năm 2025 và 2030, Tân Thạnh được quy hoạch 1.400ha mít, 300ha sầu riêng vào năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết, năm 2023, diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng cây lâu năm tại huyện hơn 280ha (238,15ha mít; 38,36ha sầu riêng), nâng tổng diện tích mít trên toàn huyện lên khoảng 1.300ha và tổng diện tích sầu riêng hơn 287ha. Diện tích mặt nước nuôi thủy sản của huyện Tân Thạnh hơn 680ha, ổn định so cùng kỳ, chủ yếu là nuôi cá tra giống, cá tra thương phẩm, ếch kết hợp cá, tôm thẻ chân trắng,...

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: Chiến khu Đồng Tháp Mười (Bài 1)

 

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: Chiến khu Đồng Tháp Mười (Bài 1) 

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 690.000ha.

“Việc quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện dựa trên cơ sở ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;... đặc biệt, phải phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Hiện huyện nỗ lực tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng cây ăn quả chủ lực tập trung gắn với phát triển công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ…” - ông Lê Phước Vẹn nhấn mạnh.

Theo định hướng của tỉnh, để việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh hiệu quả và bền vững cần chú trọng: Gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển hợp tác xã; xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu;...

Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn” (theo Kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực tỉnh Long An đến năm 2025 và 2030).

Thích nghi và phát triển bền vững

Tân Hưng là huyện đầu nguồn biên giới, thường xuyên chịu tác động bởi lũ. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu khiến lũ không còn về nhiều nữa. Đời sống người dân ĐTM nói chung và Tân Hưng nói riêng ít nhiều đảo lộn.

2023 là năm lũ thấp. Theo người dân địa phương, những năm lũ lớn, mức nước ở giữa ruộng có thể cao quá đầu người lớn nhưng giữa tháng 9-2023, nơi sâu nhất ở đây chỉ khoảng 5 tấc (50cm). Thời điểm đó, mực nước lũ là 1m55, so cùng kỳ năm 2022 thấp hơn 37cm. Đỉnh lũ cũng thấp hơn khoảng 40cm.

Nhiều năm gần đây, lũ về ít hoặc không về, nguồn lợi từ lũ có nơi hầu như không có. Gia đình bà Võ Thị Kim Hai (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại) làm nghề đan lọp và có 1,7ha đất sản xuất. Những năm lũ về nhiều, cá đổ về ruộng, bà bán cá được gần 20 triệu đồng. Thế nhưng, mùa lũ vừa qua, hầu như không có thu nhập từ cá. Lũ thấp, lọp bán ra cũng không nhiều. Nếu như những năm nước lớn, gia đình bà bán gần 3.000 lọp thì năm qua bán không đến 1.000 chiếc.

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: 'Áo mới' vùng Đồng Tháp Mười (Bài 3)

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: 'Áo mới' vùng Đồng Tháp Mười (Bài 3) 

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 690.000ha, trong đó, Long An chiếm hơn một nửa diện tích. Đây từng là vùng đất nhiễm phèn nặng.

Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền cho biết: “Lũ nhỏ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, kinh tế của huyện. Trong hoàn cảnh đó, chính quyền và người dân trong huyện phải tìm cách thích nghi”.

Lũ không về, nhiều diện tích đồng ruộng không ngập nước, cỏ dại phát triển, mầm mống sâu, bệnh không được rửa trôi. Các dịch hại như chuột, ốc bươu vàng phát triển. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân vệ sinh đồng ruộng tốt, diệt chuột, ốc; chọn giống chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn; mật độ gieo sạ đúng theo khuyến cáo; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa, tùy từng đồng ruộng áp dụng để đạt hiệu quả cao nhất. Tập quán sản xuất của người dân dần thay đổi, từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, không lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên như trước.

Từ năm 2016, khi đề án sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao được triển khai, huyện Tân Hưng luôn đi đầu, thực hiện vượt chỉ tiêu diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Tính đến tháng 4-2024, huyện Tân Hưng có hơn 13.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt hơn 86% chỉ tiêu đề ra vào cuối năm 2025. Đây cũng là địa phương tiêu biểu trong thực hiện cánh đồng lớn. Trên địa bàn huyện có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang đến lợi ích cho thành viên.

“Với tinh thần đổi mới tư duy, "dám nghĩ, dám làm", Tân Hưng là một trong những địa phương dự kiến được chọn tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - ông Huỳnh Thanh Hiền thông tin.

Cải tạo Quốc lộ 62 để Đồng Tháp Mười “cất cánh”

Quốc lộ (QL) 62 là tuyến giao thông trọng điểm kết nối Long An với tỉnh Đồng Tháp, An Giang và nước bạn Campuchia. Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, QL62 dần xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, gây khó khăn cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Quốc lộ 62 xuống cấp, thường xuyên trong tình trạng xe cộ đông đúc, cần được đầu tư nâng cấp nhằm góp phần phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và Long An nói chung

Nói về điều đó, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tainan Việt Nam (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) - Đỗ Thị Bích Liên cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty hiện tại là việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thông qua QL62. Các thùng hàng thường xuyên bị móp, bể, gây phát sinh thêm chi phí. “Đoạn đường từ TP.HCM về đây bằng từ TP.HCM về Vũng Tàu nhưng chi phí vận chuyển cao hơn 5%. Nhiều khách hàng muốn đến đánh giá nhà máy nhưng lại “ngán ngại” QL62 mà không đi. Khi đường được sửa chữa, nâng cấp thì những chi phí “bị đội lên” cho vận chuyển sẽ dùng chăm lo cho công nhân, lao động” - chị Đỗ Thị Bích Liên nói.

Cũng vì đường xuống cấp, kinh tế mậu biên của Long An chưa phát triển như kỳ vọng. Khu kinh tế Cửa khẩu Bình Hiệp (bao gồm một khu công nghiệp diện tích 168ha) được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của tiểu khu ĐTM. Tuy nhiên, nhiều năm qua chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động. Nhiều đơn vị sau khi tìm hiểu môi trường đầu tư đã quyết định rút lui do hạ tầng giao thông không thuận tiện.

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: 'Tiến quân' về Đồng Tháp Mười - Đúng đắn và táo bạo (Bài 2)

 

Đồng Tháp Mười - Gần 50 năm đổi mới: 'Tiến quân' về Đồng Tháp Mười - Đúng đắn và táo bạo (Bài 2) 

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 690.000ha.

 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “QL62 kết nối với QL1 qua TP.Tân An, huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường đến Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tiếp giáp Campuchia. Tuyến đường này hiện không còn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vài năm qua, người dân các địa phương vùng ĐTM liên tục kiến nghị nâng cấp, mở rộng tuyến QL”.

Hiện Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến QL53, 62, 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới đã được Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, người dân vẫn đang mòn mỏi chờ ngày QL62 chính thức được khởi công sửa chữa.

Theo dự kiến, QL62 sẽ được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp 3 đồng bằng, chiều dài đầu tư khoảng 69km, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường rộng 11m gồm 2 làn cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lề đường rộng mỗi bên 0,5m. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ có mặt cắt ngang theo hiện trạng. Hướng tuyến cơ bản bám theo tim đường hiện hữu, riêng đoạn qua thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) sẽ xây dựng mới tuyến tránh. Dự án dự kiến xây dựng từ năm 2025.

Với tâm thế sẵn sàng chờ Bộ Giao thông Vận tải khởi công nâng cấp, sửa chữa tuyến QL62, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp chặt chẽ Cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện các thủ tục liên quan, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để sớm khởi công dự án theo đúng kế hoạch.

Dự án nâng cấp, cải tạo QL62 khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH của khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và vùng ĐTM./.

Quế Lâm - Đức Hạnh

Chia sẻ bài viết