Tiếng Việt | English

26/08/2020 - 19:42

Dư luận về việc Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển

Mỹ là nước có quan điểm phản đối việc lựa chọn vị trí Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về Luật Biển thậm chí trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long đã trúng cử ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020-2029 ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 24/8. Giới chuyên gia và học giả quốc tế ngay lập tức có những nhận định về diễn biến này.


Mỹ là nước có quan điểm phản đối việc lựa chọn vị trí Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về Luật Biển thậm chí trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu. Ảnh: KT

Với việc ứng viên Đoàn Khiết Long được chọn, Trung Quốc sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc Trung Quốc một lần nữa trúng cử ghế Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với năng lực của ông Đoàn Khiết Long và sự đóng góp của Trung Quốc đối với Tòa án quốc tế về luật biển trong hơn hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên quyết định này cũng vấp phải ý kiến trái chiều. Mỹ là nước có quan điểm phản đối việc lựa chọn vị trí Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về Luật Biển thậm chí trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu. Phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc không nên được bầu vào vị trí này, vì nước này không tôn trọng luật hàng hải quốc tế ở Biển Đông.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell từng nhấn mạnh, với những hành động của Trung Quốc thời gian qua, các quốc gia nên cân nhắc liệu một một thẩm phán người Trung Quốc sẽ giúp đỡ hay cản trở luật hàng hải quốc tế.

Nhiều học giả cũng nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục đưa ứng cử viên tham gia các diễn đàn pháp lý quốc tế là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm giữ vị trí đại diện của nước này trong các tổ chức quốc tế, đồng thời là cách để giảm bớt những chỉ trích đối với hành động của Trung Quốc thời gian gần đây. Có một đại diện trong Tòa án quốc tế về Luật Biển cũng mang lại lợi thế nhất định cho Trung Quốc trong các cuộc tranh luận về những tranh chấp trên biển.

Tuy vậy Giáo sư Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức) cho rằng, Tòa án quốc tế về Luật biển sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Mỗi thẩm phán có thể tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình. Tuy nhiên, với một Hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, sẽ khó có một vị thẩm phán nào có thể áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết