Tiếng Việt | English

01/02/2023 - 09:55

Du xuân thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực trên 'đất võ trời văn'

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, vợ nói “em muốn về quê anh để trải nghiệm Tết Cổ truyền Bình Định”. Con gái nghe vậy bèn mua vé tàu lửa khứ hồi cho ba mẹ. Thế là vợ chồng tôi lên đường...

Xa quê lâu ngày, đi trên đất "nhau rún" của mình mà tôi cứ ngỡ ngàng trước dâu bể quê nhà. Lối dọc, đường ngang đều nhựa và bêtông; làng trên, xóm dưới đều lên sắc màu đô thị. Đi tới đâu tôi cũng phải hỏi thăm để khỏi bị lạc vì chốn xưa toàn nhà tranh, vách đất, lối đi ngập cát bỏng chân.

Về nhà chị ruột, tôi kêu đứa cháu rể chạy xe du lịch đưa đi Vĩnh Lợi thăm quê gốc của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Cháu nói, không phải Vĩnh Lợi mà là Cát Hải. Cháu lái xe chạy dưới chân dãy núi Bà. Từ xa, tôi đã thấy trên sườn núi hiện lên một tảng đá khổng lồ, rồi một khu đền thờ hiện ra.

Cổng vào khu đền

Khu đền thờ Nguyễn Trung Trực còn thơm mùi vôi vữa. Qua cổng tam quan gặp bức bình phong chắn ngang. Nhìn tả, hữu, mỗi bên có nhiều khối kiến trúc đền thờ với mái cong vút. Qua một quãng sân ngắn, leo lên 19 bậc tam cấp là đến tòa đền chính nguy nga có bức phù điêu nền biển xanh nổi bật chân dung người anh hùng dân chài với hàng chữ Lễ giỗ kỷ niệm 154 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868-2022). Thì ra cụm công trình đồ sộ này do tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng chỉ mới làm lễ khánh thành vào ngày 07/10/2022.

Đọc sách Bình Định đất võ trời văn của Tiến sĩ sử học Đinh Văn Liên, ở mục “Các nhà chính trị, quân sự...”, trong đó có Nguyễn Trung Trực, ghi rằng: “Ông bà đời trước của ông ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, làm nghề chài lưới. Làm ăn ở đây không mấy phát đạt, toàn thể gia đình theo ghe bầu vào Nam...”. Sách này còn in bài thơ của Đoàn Nguyên Phúc điếu Nguyễn Trung Trực: “Vĩnh Lợi quê hương gốc bản làng/ Vào Nam Trung Trực sống Long An/ Lửa hồng Nhựt Tảo Tây kinh sợ/ Giáo nhọn Kiên Giang Pháp khiếp hàng/ Giết giặc, bởi tình đau cốt nhục/ Nộp mình, vì nghĩa nát tâm can/ Để cho đồng đội, đồng bào sống/ Phá sạch gông cùm ách ngoại bang”. Nhưng khi tham quan toàn thể khu đền thờ, thấy bảng thông tin tóm tắt nguyên quán Nguyễn Trung Trực là xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chớ không phải thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành...

Từ ngôi đền chính nhìn ra cổng

Bước vào bên trong, không gian đền thờ là những bàn thờ sáng rực màu đồng và màu sơn son thếp vàng với rất nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ trên gỗ tốt, rất công phu. Chúng tôi dâng hương lên bàn thờ có bức tượng đồng Nguyễn Trung Trực, rồi chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc gỗ mỹ thuật. Ở xứ núi có khác, các kết cấu kiến trúc đều là những loại danh mộc đánh vẹc-ni lên nước sáng bóng.

Đứng ở lan can tòa đền chính ngắm toàn cảnh xung quanh khu đền thờ hoành tráng trải trên nền một góc núi Bà hùng vĩ, có thể thấy đằng kia là biển Trung Lương với bãi tắm được xếp hàng đầu về những bãi tắm đẹp nhất nước. Xa nữa là một mỏm núi Bà đội pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi được coi là cao lớn nhất Đông Nam Á, tiếp nữa là quần thể chùa Ông Núi với những mái ngói đỏ ẩn trong tàn lá của rừng cổ thụ trên núi. Sau lưng, bên kia núi là thác nước Chánh Thắng. Đằng kia nữa là Đá Vọng phu với sự tích Trầu - Cau,... Dưới chân núi Bà là biển Đông trắng xóa một màu bọt sóng do biển động... Tự nhiên tôi muốn đi làng chài Vĩnh Lợi xem có dấu tích gì về vị anh hùng dân chài này không mà sách Bình Định đất võ trời văn đã ghi như trên đây?

Tượng đồng Nguyễn Trung Trực

Tuyến đường nhựa lớn chạy cặp bờ biển từ TP.Quy Nhơn qua Khu du lịch Cát Hải, về đến Khu du lịch Đề Gi. Một cầu bêtông bắc qua cửa biển Đề Gi băng lên hai hòn Lan Sơn đổ xuống bên kia núi là địa phận thôn Vĩnh Lợi. Đầu xuân ở đây trời luôn luôn mưa phùn, lạnh dưới 20oC. Lên cầu, gió thổi vụt vù cơ hồ muốn hốt cả người đứng trên cầu quăng xuống biển. Tôi cố ghì lấy thành cầu để chụp một “pô” hình mà vẫn bị gió xô "té sấp té ngửa". Nhìn xuống hai bên cầu, từng hàng bè nuôi hải sản lắc lư theo sóng biển. Cửa biển Đề Gi ăn vào đầm Đạm Thủy, bên này đầm là làng chài Đề Gi phố xá dựng lên từng dãy thay xóm chài lụp xụp, mái lá tả tơi ngày nào. Bên kia đầm là làng chài Vĩnh Lợi, ngày nào nhà cửa sơ sài, giờ đây cũng phố xá sít nhau. Tôi hỏi thăm về dấu tích ngư phủ mang tên “anh chài Lịch”, không ai biết cả! Vậy thì nguyên quán của người anh hùng sinh ra trên xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, là Cát Hải chớ còn ngờ gì nữa? Với mấy dòng thông tin này, bà con Long An có đi du lịch Bình Định để viếng quê gốc Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thì đi Khu du lịch Cát Hải, lên khu đền thờ như đã giới thiệu trên đây. Và đã đến đây thì nhất định phải thưởng thức các món ăn chế biến từ hải sản. Đề Gi có “nước mắm nhà làm”, chan bún ăn trực tiếp cũng đủ ghiền vì độ đạm cao, không pha chế gì hết mà vẫn thơm ngon lếu lưỡi. Và nhất là các món gỏi cá mai, trỏng, trích, mú,... cùng các loại “danh ngư” như hồng, mú, chẽm,... hấp, cuốn bánh tráng, rau sống,... Ăn là ghiền. Hãy thử trải nghiệm xem!

Bút ký của QUANG HẢO

Chia sẻ bài viết