Thực tiễn cuộc sống diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội với biết bao điều đáng suy ngẫm. Những nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống, nhất thiết phải phản ánh và đáp ứng được những yêu cầu cuộc sống đang đặt ra. Vì vậy, nghị quyết ra đời xuất phát từ hơi thở của cuộc sống sẽ tạo được sự đồng thuận xã hội cao và có sức sống bền lâu.
Thực tế cho thấy, những chính sách không bắt nguồn từ yêu cầu đặt ra trong cuộc sống sẽ khó thực hiện hiệu quả, thậm chí phải "chết yểu". Nói điều này, có lẽ chúng ta nhớ đến ngay những quy định như cộng điểm cho Mẹ Việt Nam Anh hùng thi đại học, ngực lép không được lái xe,... và gần đây nhất là Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gây tranh cãi trong thời gian qua, Chính phủ phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi. Chúng ta thấy đó, có những quy định chưa ra đời, mới chỉ là dự thảo đã gặp phải phản ứng của dư luận, có quy định đã được thông qua, chưa triển khai thực hiện thì bộc lộ sự bất cập. Điều đó phải chăng do thiếu giá trị thực tiễn?!
“Chính sách trên trời” sẽ là rào cản cho sự phát triển, gây bất cập trong quản lý. Nghị quyết cũng vậy, nếu không thật sự xuất phát từ cuộc sống sẽ khó có thể thực hiện thành công. Và phải chăng, khi các tổ chức cơ sở Đảng tổng kết nhiệm kỳ, đối với những chỉ tiêu chưa đạt có nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu giá trị thực tiễn khi đề ra nghị quyết?
Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra, đưa cuộc sống vào nghị quyết là trách nhiệm của cấp ủy đương nhiệm và mọi đảng viên. Nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể trong 5 năm tới đòi hỏi phải sát thực tế. Có như vậy, nghị quyết mới bảo đảm thực hiện đạt hiệu quả cao.
Sắp tới đây, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân. Mỗi người dân với trách nhiệm của mình, cùng nghiên cứu, đóng góp, chung tay xây dựng để nghị quyết mang giá trị thực tiễn cao. Đây cũng là điều kiện để đưa cuộc sống vào nghị quyết.
Đưa cuộc sống vào nghị quyết, nói tưởng chừng dễ nhưng thật ra không phải vậy. Để làm được điều đó, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật sự gắn bó với nhân dân, sâu sát cơ sở, có tinh thần cầu thị; các cấp, các ngành kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, những bức xúc trong đời sống,... Tin rằng, thực hiện quan điểm dân là gốc, nghị quyết được các tổ chức cơ sở Đảng đề ra cho nhiệm kỳ mới sẽ là nghị quyết của lòng dân./.
Từ Nguyên