Tiếng Việt | English

21/09/2017 - 01:45

Đưa sinh vật cảnh vào phát triển kinh tế - xã hội

Vừa mới rồi, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Long An và Hội SVC TP.HCM làm lễ kết nghĩa tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An. Chủ tịch Hội SVC TP.HCM - Trương Hoàng và Chủ tịch Hội SVC tỉnh Long An - Nguyễn Văn Lộc ký kết bản Giao ước kết nghĩa, nhấn mạnh sự quan tâm giữa 2 địa phương trên lĩnh vực SVC vừa làm đẹp cảnh quan môi trường và đời sống văn hóa trong dân cư, vừa là một ngành kinh tế góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Kết nghĩa là để thắt chặt tình nghĩa giữa 2 hội, 2 địa phương giáp ranh nhằm hỗ trợ và chia sẻ các thế mạnh có thể, để cùng tồn tại và phát triển lâu dài về SVC.

Hỗ trợ và chia sẻ

Hội SVC TP.HCM được xem là lớn nhất nhì của cả nước về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ khoa học - kỹ thuật. Hội có hệ thống tổ chức đến tận các cơ quan, trường học (bộ môn SVC được giảng dạy ở một số trường đại học); có các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, thuần giống nhằm cho ra đời những giống cây hoa, cây cảnh mới lạ, có giá trị cao.

TP.HCM cũng sở hữu đội ngũ lao động có tay nghề kỹ thuật cao về sản xuất SVC; là đầu mối tiêu thụ sản phẩm SVC cả trong và ngoài thành phố; là nơi tiếp cận các cơ quan khoa học - kỹ thuật trong cả nước, nơi thường xuyên mở các khóa tập huấn chuyển giao công nghệ - kỹ thuật trong sản xuất ngành nghề SVC; có năng lực đáp ứng và phát triển các dịch vụ cho thị trường thành phố cũng như thị trường trên cả nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, đất đai có hạn, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao khiến quỹ đất sản xuất nông nghiệp của thành phố ngày càng thu hẹp. Mặt khác, đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng thành phố cho rất ít nguyên liệu để sản xuất các chủng loại SVC.


Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An - Nguyễn Văn Lộc (bìa trái) và Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM - Trương Hoàng trao đổi bản Giao ước kết nghĩa giữa 2 Hội SVC

Long An có phần lớn diện tích đất thuộc vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, phì nhiêu, phong phú và đa dạng về cây nguyên liệu để nuôi trồng, chế tác cây hoa, cây cảnh. Ở các vùng đầm lầy còn nhiều gốc cây trầm tích lâu năm, giúp chế tác gỗ lũa hay kiểng khô nghệ thuật.

Tại nhiều nơi trong tỉnh còn đất trống, có nguồn nước tưới dồi dào, thuận lợi cho sản xuất các giống cây hoa, cây cảnh. Tuy có nguồn lao động dồi dào, siêng năng, tỉ mỉ nhưng trong sản xuất SVC, còn nhiều hội viên (HV), nhà vườn trong tỉnh phần lớn chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối, điều kiện tiếp thu khoa học - kỹ thuật, cái mới trong sản xuất SVC khá hạn chế nên giá trị sản phẩm SVC chưa cao. Thị trường SVC trong tỉnh còn hẹp và khó tiêu thụ.

Kết nghĩa để giúp nhau phát triển

TP.HCM đưa SVC thành một ngành kinh tế mũi nhọn nên rất quan tâm đầu tư cho phát triển SVC. Thông qua bản Giao ước kết nghĩa, Hội SVC TP.HCM cam kết hỗ trợ, hợp tác với Hội SVC tỉnh Long An trong sản xuất, kinh doanh và huấn luyện, đào tạo tay nghề.

Tổ chức cho HV, nghệ nhân, nhà vườn của 2 địa phương tham gia hội thi, trưng bày sản phẩm và các sự kiện liên quan đến SVC do 2 hội tổ chức. Tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi có uy tín giao lưu, hỗ trợ dạy nghề và trao đổi nhau qua kinh nghiệm sản xuất giữa 2 hội. Hỗ trợ, bổ sung cho nhau về cây, con giống, vật tư, nguyên liệu sản xuất sản phẩm SVC mà mỗi bên có thế mạnh, có nhu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi để HV của 2 hội tham gia mua bán sản phẩm SVC ở các phiên chợ, hội chợ, lễ, tết do 2 địa phương tổ chức.

2 hội cùng cử nghệ nhân có tay nghề cao trong sản xuất SVC, có uy tín trong HV tham gia các cuộc chấm thi SVC trong các kỳ hội chợ, lễ hội SVC do mỗi bên tổ chức.

SVC là một “nghề chơi lắm công phu” nhưng như Chủ tịch Hội SVC TP. HCM - Trương Hoàng thông tin: Do đất nông nghiệp thành phố hạn hẹp, buộc phải nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị đất. Hiện nay, mỗi hécta đất ở đây đưa vào sản xuất SVC thu lợi nhuận 2-3 tỉ đồng/ năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất các loại hình nông nghiệp khác.

Thật vậy, người viết nhiều lần đi thực địa ở huyện Củ Chi (TP.HCM), thấy các nhà vườn Củ Chi tập trung trồng hoa lan cắt cành. 1ha hoa lan cắt cành mỗi năm cho lợi nhuận bạc tỉ là chuyện thường. Tuy tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao khiến đất sản xuất nông nghiệp hẹp nhưng TP.HCM vẫn duy trì được nhiều làng hoa kiểng truyền thống.

Nhiều nhà vườn ở TP.HCM đến Long An (tại địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc) thuê đất để ươm trồng hoa lan và thu kết quả rất thuyết phục.

Sinh vật cảnh là một "nghề chơi lắm công phu" 

Trong xu hướng tạo nguồn lực để phát triển, đến nay, Hội SVC tỉnh Long An kết nghĩa với hầu hết Hội SVC các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Long An cần tiếp cận cách làm của TP.HCM.

Được biết, ở TP.HCM, các nhà vườn sản xuất hoa kiểng được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi (vốn do Sở NN&PTNN quản lý). Trong quá trình sản xuất, Sở NN&PTNN cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến theo dõi và hướng dẫn cách xử lý từng khâu kỹ thuật nhằm bảo đảm mang lại hiệu quả cao.

Cũng được biết, TP.Tân An được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ven đô cách nay nhiều năm, trong đó, dành một phần diện tích khá lớn cho phát triển kinh tế SVC. Đáng tiếc là đến nay chưa thấy “bức tranh” kinh tế SVC từ đề án này như thế nào.

Riêng tại một số địa phương trong tỉnh đưa SVC thành một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhằm điểm tô vẻ đẹp văn hóa cảnh quan nông thôn, đồng thời góp màu xanh cho cuộc sống dân cư.

Cuối cùng, mong sự kết nghĩa trên đây sẽ sớm đi vào thực chất như 2 bên cam kết, để nghề chơi SVC góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết