Tiếng Việt | English

20/07/2015 - 11:21

Đức Hòa: Nông dân nuôi bò lúng túng tìm đầu ra cho sữa

Từ năm 1998, nông dân Đức Hòa đã tiếp cận được với mô hình chăn nuôi bò sữa, từ đó, mở ra hướng mới cho ngành chăn nuôi của huyện nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Tuy nhiên, nếu như trước đây, một bộ phận nông dân giàu lên nhờ chăn nuôi bò sữa thì thời điểm hiện nay, nông dân đang rất… lúng túng để tìm đầu ra cho sữa.

Nông dân nuôi bò sữa rất lo lắng vì đầu ra sản phẩm không ổn định như hiện nay

Bài toán chưa có lời giải

Hiện nay, đàn bò sữa của toàn huyện lên đến 6.500 con, chủ yếu tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú, Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Hiệp Hòa, thị trấn Hậu Nghĩa. Trung bình mỗi ngày, huyện cung cấp cho các công ty thu mua gần 50 tấn sữa.Hiện không ít người chăn nuôi gặp khó khăn trong tiêu thụ sữa.

Ông Trần Văn Nương, ngụ ấp Chánh, xã Tân Phú cho biết: “Những năm qua, thấy lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò mang lại cao, lại không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nên rất nhiều nông dân cũng muốn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng trước thực tế đầu ra sản phẩm “nhỏ giọt” như hiện nay, nông dân nuôi bò sữa như chúng tôi đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Lê Minh Thái chia sẻ: Đúng là bài toán về đầu ra cho sản phẩm sữa vẫn chưa có lời giải khiến những người chăn nuôi rất lo lắng, không dám đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn,… Hiện tại, những hộ chăn nuôi bò sữa mới chỉ ký hợp đồng bán sản phẩm cho đơn vị thu mua sữa hàng năm theo kiểu “mua đứt, bán đoạn”, nhưng giữa đơn vị thu mua với nông dân chưa có sự ràng buộc. Những khi hút hàng thì có bao nhiêu các đơn vị này cũng thu mua hết, nhưng khi “cung vượt cầu” thì các đại lý lại tìm cách hạ giá sữa hoặc không thu mua. Vì vậy, số lượng sữa dư ra, nông dân lúng túng không biết xử lý như thế nào, giữ lại thì không có nơi bảo quản, bán rẻ cũng không ai mua, có người phải ngậm ngùi… đổ bỏ.

Tăng cườngcông tác hỗ trợ

Để giúp nông dân an tâm chăn nuôi phát triển đàn bò, hiện các ngành chức năng của huyện đang tập trung hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp sử dụng tinh phân biệt giới tính, kỹ thuật trồng cỏ VA06, bảo đảm cho đàn bò phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao. Đồng thời, hỗ trợ các trạm trung chuyển của Vinamilk, hoàn tất các thủ tục xét và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, để bảo đảm an toàn quy trình thu mua sữa.

Anh Mai Văn Tân, ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ nuôi 4 con bò sữa. Sau một thời gian, thấy hiệu quả mang lại cao nên tôi tiếp tục đầu tư thêm. Hiện nay, số lượng bò cho sữa của gia đình tôi đã lên đến 40 con. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 200kg sữa. Với giá thu mua từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, có thời điểm các đại lý quy định số kg sữa thu mua/con bò, vì vậy số lượng sữa dư thừa chúng tôi đành bán đổ, bán tháo, thậm chí đổ bỏ đi”.

Điều trăn trở hiện nay của hầu hết người chăn nuôi bò sữa ở Đức Hòa là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, để tìm một hướng đi phù hợp và giúp nông dân yên tâm chăn nuôi, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần định hướng cho người chăn nuôi thực hiện đúng các cam kết đã ký, không làm ăn kiểu chộp giật, bán sữa ra ngoài khi có giá cao hơn mà không bán cho công ty sữa.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa để họ không chăn nuôi kiểu tự phát, nhỏ lẻ, từ đó dẫn đến việc rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát trên cơ sở phát triển có quy hoạch, kế hoạch gắn với nhu cầu chế biến của các công ty chế biến sữa để tạo ra một hướng đi bền vững cho người chăn nuôi./.

Song Hồng 

Chia sẻ bài viết