1. Cụ thể, đầu tháng 8 này, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài hơn 23 phút với tựa đề: “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)”. Ngay khi “phát hành” trên mạng chưa được một tuần, số lượng lượt xem clip trên đã lên tới gần 700.000 lượt.
Theo đó, “phim” mô tả chi tiết đêm thảm án ở Bình Phước cũng như những chuyện ngoài lề hay quá trình thẩm vấn của lực lượng chức năng. Đặc biệt, tên nhân vật trong “phim” trùng với tên nghi phạm gây án cũng như nạn nhân. Điều này khiến nhiều người cho rằng bộ phim “có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân” và gợi lại nỗi đau cho người nhà nạn nhân cũng như toàn xã hội.
Phim "Vụ thảm sát số 6" có nhiều cảnh man rợ gợi lại nỗi đau của người nhà nạn nhân.
Công an tỉnh Bình Phước cũng đã có văn bản về vụ việc. Văn bản nêu rõ: Khi “phim ngắn” này được phát tán trên mạng xã hội YouTube đã gây dao động và tạo tâm lý bất an, lo sợ trong quần chúng nhân dân, gây phẫn nộ đối với gia đình nạn nhân. Hình ảnh, nội dung không đúng với biểu hiện, cư xử giữa gia đình nạn nhân với bị can Dương mà nội dung bộ phim phản ánh. Đồng thời, Công an tỉnh Bình Phước cũng khẳng định, các chi tiết về nội dung phim là do tác giả suy luận theo suy nghĩ chủ quan, phỏng đoán cá nhân.
Công an Tỉnh Bình Phước cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thành lập hội đồng thẩm định nội dung của “Vụ thảm sát số 6” để xem xét cụ thể các dấu hiệu vi phạm, từ đó có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tạm chưa bàn đến góc độ pháp luật, ở góc độ đạo đức, “phim” Vụ thảm sát số 6 thực sự là một cuộc thảm sát tình người. Nếu như thủ phạm ở Bình Phước dùng dao giết hại các nạn nhân thì những “ca sĩ, diễn viên trẻ” dùng một sản phẩm gắn mác văn hóa đang làm mất đi thiện tâm của bản thân mình và người xem. Nếu như vụ thảm sát Bình Phước khiến dư luận hoang mang vì tính chất rùng rợn thì clip Vụ thảm sát số 6 khiến công chúng thấy bất an về tình người thời Facebook.
Cảnh cơ quan điều tra thẩm vấn nghi can trong phim.
Vì danh, vì lợi, hay chỉ “làm phim” chơi thì clip đang phản ánh cái nhìn lệch lạc của giới trẻ về các chân giá trị của cuộc sống. Dù với bất cứ mục tiêu gì thì một bộ phim phải truyền tải được những giá trị cốt lõi: chân- thiện- mỹ. Xem xong cái gọi là phim của nhóm người trẻ, chỉ khiến khơi lại vết thương vẫn còn chưa lên da non của người nhà nạn nhân và nỗi đau của xã hội.
Một “bộ phim” không mang bất cứ yếu tố chân- thiện- mỹ nào thì không thể là “nghệ thuật vị nhân sinh” hay “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Có chăng, đó chỉ là “nghệ thuật vị nổi tiếng”; “nghệ thuật vị hư danh”.
Và những cái “danh” đó thật tàn nhẫn khi nó được xây dựng từ nỗi đau của con người. Những cái “danh” đó cũng đáng kinh hãi bởi được tạo dựng bằng việc lan truyền cái ác tới cộng đồng.
Nếu “nhóm diễn viên” này muốn vào showbiz bằng cách “kinh doanh” cái ác thì họ đang tự "bôi bẩn" mình và đương nhiên phải chấp nhận sự tẩy chay của dư luận với những sản phẩm giải trí trên nỗi đau của người khác./.
CTV Mỹ Việt/VOV.VN