Tiếng Việt | English

03/07/2018 - 09:25

Giá tôm giảm, nông dân ngại thả nuôi

Người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn do giá tôm giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay.

Giá tôm vẫn không tăng

Hơn 2 tháng nay, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trông chờ giá tăng để thu hoạch và cải tạo ao nuôi. Anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: “Giá tôm hiện nay ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Nhiều nông dân đang “treo ao”, không dám thả nuôi vì giá vẫn chưa tăng”.

Hiện giá tôm thương phẩm đang ở mức thấp

Ông Nguyễn Văn Rô (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 2 ao tôm bán công nghiệp (3.000m2/ao). Cách đây 2 tháng, tôi thu hoạch 1 ao nhưng chưa được 1 tấn tôm. Giá tôm giảm so với năm trước nên tôi lỗ khoảng 20 triệu đồng. Ao tôm còn lại đến giai đoạn thu hoạch nhưng tôi để lại, chờ giá tăng. Nhiều người nuôi tôm ở đây cũng “treo ao” như vậy”.

Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Đước - Ngô Hồng Điệp cho biết: “Hiện nay, giá tôm thị trường đang giảm. Vì vậy, trước mắt, người nuôi cần chọn phương án thu hoạch phù hợp. Năm nay, nuôi tôm khá thuận lợi vì dịch bệnh giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng giá tôm bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi”.

Thận trọng khi thả nuôi

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Phạm Phú Hùng nhận định, do giá tôm ở mức quá thấp nên nhiều nông dân ngại thả nuôi lại. Giá thấp trong khi chi phí đầu vào cao nên người nuôi không có lãi. Khi giá tăng, người nuôi sẽ thả nuôi lại ngay.

Cũng theo ông Phạm Phú Hùng, hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Tuần qua, toàn tỉnh có khoảng 3,5ha bị thiệt hại, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tính đến nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại không thu hoạch được hơn 110ha, chiếm 3% tổng diện tích thả nuôi.

Giá tôm giảm, nông dân ngại thả nuôi lại

Giá tôm giảm, nông dân ngại thả nuôi lại

Để hạn chế dịch bệnh lây lan và giảm thiệt hại, trước khi thả nuôi nên chọn mua tôm giống từ những cơ sở uy tín, đã qua kiểm dịch; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước,... Ngoài ra, người nuôi cần cải tạo ao đầm thật kỹ, đối với ao bệnh phải cải tạo trên 35 ngày mới được thả nuôi lại,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng đề nghị: “Các đơn vị chức năng phối hợp địa phương tập trung theo dõi tình hình thả nuôi, dịch bệnh trên tôm nước lợ tại các huyện vùng hạ để kịp thời khuyến cáo người nuôi các biện pháp phòng bệnh; khuyến khích người nuôi tham gia tổ tư vấn kỹ thuật; phối hợp UBND các huyện tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh; thực hiện quan trắc môi trường nước nuôi tôm nước lợ, khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ thả nuôi theo khung lịch thời vụ để đạt kết quả cao”./.

Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 3.679ha tôm nước lợ,  đạt 55,7% kế hoạch (6.600ha), bằng 92% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, thu hoạch 2.805ha, năng suất bình quân  2,1 tấn/ha, sản lượng  5.816,5 tấn.

Hiện, giá tôm thương phẩm đang ở mức thấp: Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60-70 con/kg, giá 90.000-100.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg, giá 75.000-85.000 đồng/kg. Tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg, giá từ 200.000-210.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg, giá 115.000-125.000 đồng/kg.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết