Tiếng Việt | English

15/08/2022 - 11:06

Giải bài toán thiếu hụt lao động

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình KT-XH đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, mang đến sự phấn khởi cho toàn xã hội.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình KT-XH đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, mang đến sự phấn khởi cho toàn xã hội. Thế nhưng, trong niềm hân hoan ấy, vấn đề thiếu hụt lao động (LĐ) khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “đau đầu”. Giải bài toán thiếu LĐ như thế nào là vấn đề đặt ra không chỉ ở Long An mà còn của cả nước, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.

Theo thống kê của ngành LĐ, từ nay đến cuối năm 2022, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 12.845 LĐ. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, DN nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhưng vấn đề thiếu hụt LĐ ở các DN vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính thiếu hụt LĐ là do nhiều LĐ chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc, chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người LĐ chưa được đào tạo để đáp ứng tiêu chí mới của nhà tuyển dụng và trình độ, tay nghề,... trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Các chính sách thu hút, tuyển dụng của DN chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt ngày càng cao, trong khi lương của người LĐ thấp; công tác thông tin, kết nối cung - cầu LĐ, dự báo tình hình thị trường LĐ còn hạn chế,...

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Khá với 66,58 điểm; giảm 13 bậc, giảm 3,79 điểm so với năm 2020. Trong đó, chỉ số thành phần 9: Đào tạo LĐ đạt 5,44 điểm, giảm 0,94 điểm so với năm 2020. Đây là chỉ số thành phần có điểm số giảm sâu thứ 2 trong 8 chỉ số thành phần PCI bị giảm điểm năm 2021.

Theo kết quả điều tra khảo sát, có 72% DN đánh giá việc tuyển dụng LĐ phổ thông tại tỉnh là dễ dàng; tuy nhiên, chỉ có 50% DN đánh giá giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh có chất lượng tốt và các DN cũng cho rằng khó tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát. Tỷ lệ cán bộ kỹ thuật tại tỉnh chỉ đạt khoảng từ 21-31%; tỷ lệ LĐ tại DN đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 52,37% (tương đương tỷ lệ trung bình cả nước); tỷ lệ LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo là 15,93% (tỷ lệ trung bình cả nước là 20,07%); LĐ tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của DN là 47% (tỷ lệ trung bình cả nước là 55%).

Để cải thiện chỉ số thành phần Đào tạo LĐ, góp phần nâng cao PCI cũng nhưng giải quyết bài toán thiếu hụt LĐ, các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người LĐ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, ưu tiên bán cho công nhân, LĐ để an cư, lạc nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người LĐ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng về số lượng, chất lượng của DN. Bên cạnh đó, thống kê, cập nhật dữ liệu nhu cầu đào tạo và tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng số Long An ID để tạo thuận lợi cho người dân và DN tra cứu thông tin tuyển dụng của DN và học nghề, tìm kiếm việc làm của người LĐ; xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, tư vấn và tạo nguồn cung ứng lực lượng LĐ cho DN; tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm, nỗ lực kết nối cung - cầu LĐ trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng, giúp các DN bố trí đủ LĐ, đáp ứng các dây chuyền sản xuất. Vận động DN cải thiện mức lương và các chế độ ưu đãi hợp lý để giữ nguồn LĐ trong tỉnh và thu hút nguồn LĐ từ các tỉnh, thành lân cận. Công đoàn làm “cầu nối” với DN, chính quyền chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, LĐ, kịp thời hỗ trợ công nhân, LĐ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống,...

Về phía DN cần chú trọng nhiều hơn đến phúc lợi, mức lương cạnh tranh, điều kiện làm việc tốt,... và cơ hội phát triển kỹ năng cho người LĐ để thu hút và giữ chân người LĐ. Đồng thời, có kế hoạch thay đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình và phát triển theo hướng bán tự động nhằm sử dụng LĐ một cách hiệu quả và tốt nhất, không thâm dụng LĐ như hiện nay.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và DN, hy vọng bài toán thiếu hụt LĐ, nhất là LĐ có tay nghề sẽ sớm được giải quyết dứt điểm./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết