Tiếng Việt | English

01/12/2015 - 11:02

Giải pháp nào thực hiện mục tiêu “90-90-90” ở Long An?

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế - Bác sĩ (BS) Võ Văn Thắng về giải pháp và những thách thức cần giải quyết để thực hiện mục tiêu này tại Long An.


Khám và tư vấn sức khỏe cho người điều trị nghiện các chất thuốc phiện Methadone

PV: Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1993 đến nay đã 22 năm, xin BS đánh giá những thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

BS Võ Văn Thắng: Về tình hình dịch HIV, trong 3 năm liên tục (2013-2015), số trường hợp nhiễm HIV mới đã ổn định, chỉ phát hiện khoảng 200 trường hợp/năm và Long An được đánh giá là tỉnh có nguy cơ dịch trung bình so với các tỉnh khu vực Tây Nam bộ.

Trong khoảng 10 năm đầu kể từ khi dịch HIV được phát hiện ở Long An, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV trên cả nước cũng như Long An nói riêng chưa được triển khai rộng rãi. Kết quả điều tra cho thấy, hiện nay, nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS rất cao. Tỷ lệ hiểu đúng về đường lây và cách phòng tránh trên 90%; tỷ lệ người dân đồng thuận về các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như phân phát rộng rãi bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho người có nguy cơ nhiễm HIV cao; điều trị Methadone cho người nghiện ma túy,...

Về thành tựu phòng, chống HIV/AIDS trong 10 năm gần đây, trước hết là công tác chăm sóc và điều trị kháng vi-rút HIV (ARV) cho người nhiễm HIV, đến nay, toàn tỉnh có 1.248 bệnh nhân được điều trị, chiếm 94%. Nhờ tỷ lệ điều trị ARV cao mà tỷ lệ bệnh nhân chết do AIDS giảm 80% so với năm 2008; góp phần hạn chế lây nhiễm HIV từ bệnh nhân ra ngoài cộng đồng. Thành tựu thứ hai là công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong 6 năm (2010-2015), phát hiện 146 thai phụ bị nhiễm HIV và tỷ lệ điều trị dự phòng cho thai phụ đạt 96%. Nhờ vậy, chỉ có 5 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu thai phụ không xét nghiệm phát hiện HIV và không được điều trị dự phòng thì tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ 30-40%. Nhiều năm qua, ngành Y tế từng bước mở rộng dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, đến nay, đã bao phủ trên toàn tỉnh.

Chương trình điều trị Methadone cho bệnh nhân nghiện ma túy, đến thời điểm này, Long An triển khai 4 cơ sở điều trị tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc và TP.Tân An, với 663/650 bệnh nhân điều trị. Với kết quả này, Long An hoàn thành 102% chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2015. Đến nay, vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới đối với bệnh nhân nghiện ma túy trong quá trình điều trị Methadone.

 PV: Để góp phần cùng với cả nước kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Long An sẽ triển khai những giải pháp nào để thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc, thưa BS?

BS Võ Văn Thắng: Mục tiêu 90-90-90 là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định. Đây là mục tiêu rất có ý nghĩa nhưng phải thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, mỗi giai đoạn cần triển khai những chiến lược và giải pháp phù hợp với tình hình dịch HIV, kết quả đã đạt và những khó khăn, thách thức phát sinh trong từng thời điểm. Giai đoạn 2016-2020, chúng ta sẽ tập trung những giải pháp chính như sau:

Thứ nhất là mở rộng độ bao phủ và cải thiện chất lượng tư vấn, xét nghiệm HIV ở các huyện, thị và các xã vùng trọng điểm có nguy cơ nhiễm HIV cao để người dân dễ tiếp cận dịch vụ. Qua đó, sẽ phát hiện sớm những trường hợp nhiễm HIV để chăm sóc, điều trị ARV.

Thứ hai là tiếp tục mở rộng thêm các cơ sở điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên toàn tỉnh, đặc biệt là các huyện khu vực Đồng Tháp Mười để bệnh nhân tiếp cận điều trị thuận lợi và giảm chi phí, thời gian đi lại.

Thứ ba là tiếp tục tăng cường đào tạo cán bộ và bổ sung các trang thiết bị cần thiết nhằm phục vụ điều trị bệnh nhân, nhất là kiểm soát tải lượng vi-rút HIV đối với bệnh nhân.

Các giải pháp nêu trên sẽ được triển khai lồng ghép với các dịch vụ phòng, chống HIV khác tại cùng một cơ sở nhằm tiết kiệm nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

PV: Hiện nay, các dự án phòng, chống HIV/AIDS sẽ cắt giảm dần nguồn tài trợ và kết thúc trong vài năm tới, như vậy, để thực hiện mục tiêu 90-90-90 sẽ gặp khó khăn như thế nào, thưa BS?

BS Võ Văn Thắng: Hơn 10 năm qua, hầu hết các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đều được cung cấp miễn phí. Sắp tới, các dự án cắt giảm dần và kết thúc sẽ đặt ra những thách thức rất to lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt về lĩnh vực điều trị ARV, bệnh nhân phải điều trị suốt đời, đa số là người nghèo, nếu không điều trị liên tục sẽ bị kháng thuốc và xảy ra hậu quả xấu cho bệnh nhân.

Trước những thách thức này, những năm qua, ngành Y tế đã xây dựng Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống AIDS (2015-2020). Đề án được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt. Đồng thời, ngành Y tế cũng đang khẩn trương sắp xếp lại các cơ sở điều trị ARV cho phù hợp với hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV để có thể triển khai trong năm 2016. Vì vậy, đối với người nhiễm HIV và gia đình, ngay từ bây giờ, hãy cố gắng ổn định tài chính mua bảo hiểm y tế để được điều trị liên tục./.

PV: Xin cảm ơn BS!

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết