Trở nên quan trọng với nhau hơn
Với sự hạn chế tối đa các hoạt động, tương tác xã hội, hai bạn phụ thuộc vào nhau nhiều hơn, người này đều phải tìm đến người kia khi cần sự hỗ trợ về tinh thần. “Các cặp đôi dường như nói nhiều hơn, chia sẻ cảm xúc và thảo luận về đại dịch thay vì không nói về nó,” Lisa Bahar, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Newport Beach, California, nói. “Sau khi cùng nhau trải qua những điều như thế, giữa hai vợ chồng có sự gần gũi mà chỉ họ mới hiểu".
Tiến sĩ Ili Rivera Walter, chuyên gia về gia đình, giải thích: “Việc tìm đến nhau để đáp ứng nhu cầu sẽ thúc đẩy mối quan hệ tình cảm của một cặp đôi và xây dựng lòng tin”.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng mỗi người đối phó với stress theo cách khác nhau. Ví dụ, việc xem tin tức có thể khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm khi biết về những gì đang xảy ra, nhưng lại có thể khiến người ấy kém vui.
Tiến sĩ Lisa Marie Bobby, người sáng lập Trung tâm Giám đốc lâm sàng của Tư vấn & Huấn luyện Phát triển Bản thân, khuyên các cặp đôi nên thừa nhận sự khác biệt của mình, tìm cách thay đổi hoặc thỏa hiệp để tìm cách đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhau.
Phân công lại việc nhà hợp lý hơn
Trong thời gian cách ly, xã hội, thời gian ở nhà của hai người nhiều hơn hẳn so với bình thường nên khối lượng việc nhà cũng tăng cao. Chuyên gia Hauser nói: “2 câu hỏi chính vẫn là: Ai có thời gian để làm hết chuyện dọn nhà, nấu ăn? cách phân chia công việc trước đây có còn phù hợp? Dịch COVID-19 khiến một số người thất nghiệp và mất vai trò trụ cột gia đình. Kết quả là các cặp đôi có những nhu cầu khác nhau đáng kể khi ở nhà, khi họ rất ít khi xa nhau".
Theo chuyên gia này, hai bạn cần trò chuyện để phân công lại công việc, xem ai sẽ làm những gì cho hợp lý.
Thành thật với nhau hơn
Ở bên nhau suốt ngày trong thời gian giãn cách xã hội, hai bạn không còn có thể tránh né những căng thẳng, mâu thuẫn mà buộc phải đối mặt để giải quyết nó. Khi trao đổi thẳng thắn với nhau, mỗi quan hệ sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực mặc dù trong một số trường hợp sự thật có thể gây đau đớn.
Hauser cho biết, trong khoảng thời gian ở sát cạnh nhau suốt ngày như vậy, sự va chạm do khác biệt tính cách sẽ thể hiện rõ. Hai người nên trao đổi thắng thắn với nhau, nói về nhu cầu và mong muốn của mình trên tinh thần xây dựng, không đổ lỗi hay tự đổ lỗi, đồng thời tìm kiếm các giải pháp.
Gia tăng "tinh thần đồng đội"
Trong hoàn cảnh cách ly xã hội, các cặp vợ chồng phải cùng nhau hoàn thành các công việc hằng ngày, từ mua hàng tạp hóa, tìm cách giải trí hay dọn dẹp nhà cửa.
Nhà trị liệu hôn nhân gia đình Sofia Robirosa cho biết: “Các cặp đôi phải làm một số việc nhà mà trước đây họ không có thời gian làm như sắp xếp tủ quần áo hoặc nhà để xe, sơn phòng hoặc làm vườn. Những cặp có con nhỏ phải hợp tác với nhau sao cho vừa quản lý được khối lượng công việc chuyên môn của họ vừa bảo đảm thời gian biểu của con cái và phân chia việc chăm sóc bọn trẻ”. Điều này làm gia tăng tinh thần đồng đội, khiến hai người đồng cảm, gần gũi với nhau hơn.
Đánh giá nhau cao hơn trước
Trong hoàn cảnh đặc biệt như giãn cách xã hội, bạn có ít nguy cơ tập trung vào những khuyết điểm của người ấy mà thường nhìn vào mặt tích cực của nhau.
“Bạn có thể thấy bạn đời làm những việc mà trước đây anh ấy/cô ấy không có thời gian để làm và vì thế sẽ đánh giá cao hơn những điểm mạnh, niềm vui mà người ấy mang lại cho cuộc sống của bạn. Sự đánh giá sâu sắc này dành cho đối tác là kết quả tuyệt đẹp của việc giãn cách xã hội”, Hauser nói.
Đưa mối quan hệ lên tầm cao mới
Với những cặp đôi mới ở giai đoạn hẹn hò trước thời gian giãn cách xã hội và đang băn khoăn về việc liệu có nên chuyển đến ở hẳn với nhau, việc dành nhiều thời gian cho nhau trong bầu không khí tin cậy có thể khiến họ quyết định thực hiện bước tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể nhìn thấy rõ đối tác của mình, điều mà trước kia chưa được cảm nhận đầy đủ./.
Theo VOV.VN