Tiếng Việt | English

01/02/2023 - 09:51

Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

Từ lâu, lễ hội được xem là nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Theo thống kê, cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian. Các lễ hội ở Việt Nam diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa xuân.

Mỗi lễ hội đều mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương và quốc gia, chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, hướng đến một nhân vật cụ thể, thường là các vị thần, thánh, anh hùng dân tộc, người có công lao lớn ở địa phương,... được các thế hệ người Việt lưu truyền, tưởng nhớ.

Lễ hội là dịp để người đời sau bày tỏ lòng tri ân với thế hệ trước và những nhân vật được tôn kính. Đây là nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng ở khắp các vùng, miền và được xem là “cầu nối” giữa quá khứ với hiện tại. Lễ hội không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn là môi trường giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống quý báu. Các lễ hội thể hiện bề dày văn hóa lịch sử của một quốc gia, dân tộc. Với một đất nước có gần 9.000 lễ hội như nước ta cho thấy đời sống tín ngưỡng của người dân rất phong phú. Phần lớn các lễ hội dân gian đều khởi nguồn từ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng, có sự gắn bó mật thiết với văn hóa làng, xã.

Những năm gần đây, lễ hội còn là một trong những hoạt động nhằm phát triển, quảng bá du lịch, đưa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến gần hơn với du khách. Tuy nhiên, một số vấn đề được đặt ra khi có yếu tố thương mại hóa trong lễ hội. Hầu hết các lễ hội là do người dân tự đóng góp kinh phí. Đó là một nét văn hóa có từ bao đời nay. Người góp công sức, tiền của, người tham gia tổ chức, quảng bá lễ hội,... tất cả đều hướng đến những giá trị tinh thần, thể hiện lòng tôn kính với thần, thánh, anh hùng dân tộc...; cầu mong cho một năm “mưa thuận, gió hòa”, mùa màng bội thu.

Tuy nhiên, một số địa phương lại quá xem trọng hiệu quả kinh tế trong việc tổ chức lễ hội mà bỏ qua yếu tố tôn vinh, bảo tồn giá trị văn hóa, không giữ được những nghi lễ trước đó mà biến tấu nhằm thu hút du khách. Lễ hội dân gian là để tìm về cội nguồn dân tộc, tìm hiểu về những tập tục xưa cũ, qua đó giới thiệu văn hóa của mỗi địa phương, quốc gia, dân tộc chứ không phải chạy theo thị hiếu và xu hướng.

Bên cạnh đó, những vấn đề phát sinh trong lễ hội như an ninh, trật tự chưa được bảo đảm, mê tín dị đoan, phung phí tiền bạc vào vàng mã, lễ vật, chèo kéo khách, tự lập bàn công đức nhằm lấy tiền du khách,... cũng đang làm xấu hình ảnh lễ hội truyền thống.

Cùng với các địa phương khác, sau Tết Nguyên đán, người dân Long An tích cực tham gia tổ chức các lễ hội đầu xuân. Là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, Long An được biết đến bởi các lễ hội lớn: Làm Chay, Đại lễ Kỳ Yên, Vía Bà Ngũ Hành,... Điều đáng mừng là đến nay, các lễ hội này được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa trang nghiêm, linh thiêng, hướng về cội nguồn dân tộc. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa của lễ hội là trách nhiệm chung của mọi người. Tuy nhiên, cần chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, loại bỏ dần những hủ tục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết