Tiếng Việt | English

19/01/2020 - 11:25

Giữ nghề đương đệm bàng của quê hương

Không ai biết nghề đương đệm có từ bao giờ, nghề này cũng không có tổ nghiệp và sản phẩm làm ra ví như một tác phẩm nghệ thuật dân gian rất thông dụng trong đời sống của con người. Long An từng có nhiều xóm nghề sống bằng công việc đương đệm bàng nổi danh khắp nơi nhưng theo thời gian nghề xưa thưa thớt dần.

Nghề đương đệm bàng ngày càng thưa thớt người làm

Trước đây, nghề đương đệm bàng ở Đồng Tháp Mười nói chung và huyện Đức Huệ nói riêng hầu hết đều “mẹ truyền con nối”. Lúc xưa, sáng hay chiều, xóm bàng luôn rộn ràng tiếng cười nói của các cô thợ đệm. Ngày nay, vẫn những xóm làng ấy nhưng khung cảnh trầm lắng, bên mái hiên chỉ còn hình ảnh các cụ bà, phụ nữ tuổi đã quá 40 tẩn mẩn đương đệm. 

Bà Nguyễn Thị Gấu, ngụ xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ cho biết: "Nghề đương đệm của ông bà mình từ xưa tới giờ. Bây giờ, bàng còn thì mình phải làm để giữ nghề của ông bà. Làm nghề này tuy cực mà vui, vì mình già không làm gì ra tiền nhưng có nghề đương đệm có thêm thu nhập trang trải cuộc sống".

Xưa kia, vùng Đức Huệ bàng mọc hoang vu thành đồng cỏ nên cứ thế nhổ về làm. Còn bây giờ bàng ngày càng khan hiếm, người dân phải mua từng neo bàng với giá khá cao. Cỏ bàng sau khi mua về được phơi qua 3-4 nắng, sau đó mang đi ép mới bắt đầu đương đệm. Mặc dù, cuộc sống hiện đại nhưng đệm bàng vẫn được người dân đương theo phương pháp thủ công, bằng đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn. Với một chiếc đệm đẹp, đương bằng sợi nhuyễn, người thợ phải mất 4 ngày mới hoàn thành sản phẩm, giá bán 400.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ngày người thợ lời 70-90 ngàn đồng. 

Cỏ bàng sau khi mua về phơi 3-4 nắng, sau đó mang đi ép mới bắt đầu đương đệm

Bà Nguyễn Thị Buôn (xã Bình Hòa Nam) đã 62 tuổi nhưng có gần 50 năm gắn bó với nghề đương đệm. Thâm niên trong nghề độc đáo này là cái nghiệp để bà cặm cụi làm thêm những lúc nông nhàn. Bà Buôn bộc bạch: "Làm nghề này quần quật cả ngày, nhiều lần định nghỉ. Song không làm thì lại buồn, từ đó làm riết thành ghiền luôn".

Do đặc điểm của chất liệu đệm bàng là “mát về mùa hè và ấm về mùa đông” nên vẫn còn một số người yêu thích tìm mua. Nhờ thế mà nghề đương đệm bàng tồn tại đến ngày nay. Ngoài chiếc đệm quen thuộc, các cô, các chị còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm thời trang đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng.

Chị Võ Thị Tuyết Mai (xã Bình Hòa Nam), huyện Đức Huệ khẳng định: "Thời tiết nóng sử dụng đệm bàng là hết ý, mát lắm. Vì vậy người này truyền người kia nên nhiều khách hàng đến đặt hàng. Hiện nay, khách hàng yêu cầu đương đệm, giỏ xách, túi thời trang, gia công manh em bé tôi đều nhận hết".

Dù vất vả, thu nhập thấp nhưng nhiều người thợ ở Đức Huệ vẫn đang miệt mài ngày đêm với cây cỏ bàng. Bằng lòng yêu nghề, các cô, các chị hy vọng góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống - nghề đương đệm bàng - một sản phẩm văn hóa của quê nhà./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết