Tiếng Việt | English

19/09/2023 - 08:57

Giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất

Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ (thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đơn vị thực hiện) vừa báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp (DN) tỉnh Long An đến năm 2021, đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải là Chủ tịch hội đồng nghiệm thu đề tài.

Hội đồng nghiệm thu đề tài tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài

Doanh nghiệp nhỏ có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cao nhất

Long An nằm trong tam giác Đồng Tháp Mười, thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dù được xếp vào Vùng ĐBSCL nhưng Long An nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL, đặc biệt có chung đường ranh giới với TP.HCM bằng hệ thống các quốc lộ: 1, 50, 62, N1, N2 (đường Hồ Chí Minh).

Sở hữu vị trí địa lý khá đặc biệt, bên cạnh đó còn thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của DN tỉnh Long An đến năm 2021, đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo cũng là nhiệm vụ khoa học. Đề tài này xác định rõ thực trạng trình độ và năng lực công nghệ của các DN chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra kết quả tính toán, phân tích, đánh giá, giúp cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh có được các luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc và toàn diện.

Đề tài đã khảo sát 150 DN trong 5 lĩnh vực: Sản xuất kim loại; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; dệt; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất. Kết quả khảo sát cho thấy, các DN trong ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất có trình độ công nghệ cao nhất; kế tiếp là ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành sản xuất kim loại đều đạt trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình; tiếp theo là ngành dệt, may. Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic có trình độ, năng lực công nghệ ở mức lạc hậu.

Ngành dệt, may là nhóm doanh nghiệp được khảo sát và đánh giá về năng lực công nghệ

Số liệu trên được điều tra, đánh giá trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Đây là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Đa số DN, dự án phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường; chi phí hoạt động của DN tăng do chi phí nguyên, vật liệu, vận chuyển tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch,... nên ít nhiều ảnh hưởng đến các chỉ số về trình độ và năng lực công nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo quy mô của các DN cho thấy, DN trên địa bàn tỉnh có trình độ cao nhất là các DN nhỏ, sau đó là DN lớn, cuối cùng là DN vừa và đều đạt ở mức trung bình. Đây cũng có thể coi là hệ quả ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn thế giới khiến DN nhỏ thích ứng tốt hơn, còn DN lớn có nhiều nguồn lực nên cũng đủ khả năng chống chọi tốt hơn, chỉ có DN vừa là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhiều giải pháp cho thời gian tới

Để xây dựng các giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất 3 giải pháp:

Thứ nhất, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với xu hướng phát triển của cả nước và dựa trên cơ sở khai thác tốt thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến phải bảo đảm công nghệ hiện đại, sản phẩm giá trị cao, có sức cạnh tranh và quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu, gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường.

Thứ ba, kết hợp giữa nội lực của tỉnh và nguồn lực bên ngoài để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ một cách bền vững.

Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đề xuất một số mục tiêu cho việc xây dựng các giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, đến năm 2030, trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực chủ lực, trọng điểm của tỉnh cần đạt mức trung bình tiên tiến và hướng tới mục tiêu gần là phát triển Long An thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2050. Tỉnh cần tạo điều kiện cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa được tiếp cận những công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến trên thế giới.

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu chung trên, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đề xuất một số mục tiêu cụ thể: 50% DN có bộ phận nghiên cứu, phát triển được đầu tư từ kinh phí DN và được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước; 50% DN được hiện đại hóa máy móc, thiết bị, công nghệ trong dây chuyền sản xuất; 50% DN áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất ít nhất 1 lần và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; 50% công nhân, người lao động được tiếp cận, đào tạo, tập huấn, cập nhật những kiến thức mới từ những nhà khoa học trong và ngoài nước.

Ban chủ nhiệm nhiệm vụ cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ cho các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh: Tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm các rào cản về điều kiện kinh doanh, tạo sức hấp dẫn cho DN đầu tư; nâng cấp các khu công nghiệp với công nghệ tiên tiến; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và khu công nghiệp chế biến, chế tạo lớn; khuyến khích đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi liên kết, gắn với hoàn thiện công nghệ, nâng cấp chất lượng, an toàn, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu gắn với tên, địa danh (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) nhằm phát triển các sản phẩm mang thương hiệu có uy tín, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng của người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu và phát triển du lịch làng nghề.

Ban chủ nhiệm nhiệm vụ còn đề xuất giải pháp bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí năng lượng, giảm nguyên, vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm như HACCP, Codex, ISO, BRC-food, Halal,... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; siết chặt quản lý việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong nước và quốc tế;...

Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn, quy tắc xuất xứ, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm của các DN; sử dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, chất thải để bảo vệ môi trường. Nhóm tác giả cũng đề xuất giải pháp nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến có chất lượng, sức cạnh tranh cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Theo Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải, Long An được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là điều kiện tốt để Long An thực hiện tốt mục tiêu “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Việc đánh giá hiện trạng về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của DN trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của các DN chế biến và chế tạo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh sau dịch Covid-19.

Việc đầu tư đào tạo nhân lực, khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ cùng với đầu tư hạ tầng công nghệ sẽ giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Điều này đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết