Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) bên dãy nhà trọ của mình
Là con út trong gia đình có 7 anh chị em, từ nhỏ, anh Tuấn được mọi người thương yêu và đặt rất nhiều kỳ vọng. Năm lớp 7, anh chuyển trường lên TP.HCM. Do xa nhà, thiếu sự sát sao từ mẹ cha và tiếp xúc với một số thành phần lêu lổng nên 1 năm sau, anh vướng vào con đường nghiện ngập. Anh xin tiền cha mẹ với cái cớ đóng học phí, học thêm lớp kỹ năng nhưng lại đổ phần lớn vào ma túy. Khoảng năm lớp 10, anh nghiện nặng. Để có tiền cung phụng “nàng tiên nâu”, ngoài nguồn tiền từ gia đình, anh còn đi làm thêm. Vốn có khiếu vẽ kiến trúc xây dựng, anh học hỏi thêm rồi cộng tác với anh trai. Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, người nhà thấy anh học hành sa sút, cơ thể dần bệ rạc nên sinh nghi. Khi khẳng định anh nghiện ma túy, cha mẹ lập tức đưa anh đến Cơ sở Cai nghiện ma túy Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) theo dạng tình nguyện.
Sau khi cai nghiện xong, anh về Long An, đến năm 2002 thì tái nghiện. Lúc này số tiền 1 ngày sử dụng ma túy có khi lên tới 3-4 triệu đồng. Nhớ lại lúc đó, anh Tuấn cho rằng mình đã trải qua cái khổ nhất trần gian, sống trong môi trường tự do mà như ở tù vì ma túy khống chế. Anh vẫn đi làm, vẫn có lương nhưng không báo hiếu cho cha mẹ đồng nào mà đổ hết vào ma túy. Năm 2003, anh đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An (huyện Thạnh Hóa).
Năm 2005, anh được về nhà nhưng lại tái nghiện thêm 2 lần nữa. Theo lời anh Tuấn, lúc đó, gia đình tạo mọi điều kiện để anh tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng do từ nhỏ được cưng chiều, ít được trui rèn trong môi trường gian khó nên ý chí anh chưa đủ để chiến thắng sức cám dỗ của ma túy. Mặt khác, do hậu quả của ma túy, khi về nhà, anh hay nằm mơ thấy bạn bè đã khuất nên tâm lý bất ổn. Tâm lý này kết hợp với một chuyện buồn bâng quơ nào đó cũng khiến anh tìm đến ma túy để “giải trí”.
Sau 4 lần cai nghiện, tuổi anh Tuấn cũng ngoài 30. Anh tâm sự với chúng tôi mà đôi lúc nghẹn lời: “Ở tuổi đó, nhiều người đã ổn định trong khi tôi lại phí quãng đời đẹp nhất vào ma túy. Suốt mười mấy năm tôi không lo gì cho cha mẹ, còn làm ông bà buồn lòng, tôi thấy mình chưa tròn chữ hiếu. Không phải tôi không thương nhưng ma túy đã hành hạ tôi, nó khiến tôi khổ sở vô cùng tận. Trong suốt thời gian đi cai nghiện, vợ tôi vẫn chung thủy đợi chờ. Nhìn cha mẹ tóc bạc, sức khỏe yếu dần, nhìn những đứa con còn nhỏ dại, tôi quyết tâm thay đổi, làm lại cuộc đời. Tôi không thể để ma túy khống chế mình mãi như vậy, tôi phải "đánh bại" nó”.
Thế là anh bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh. Từ một chàng “công tử” quanh năm “không đụng móng tay”, anh Tuấn ra ruộng sạ lúa, nhổ cỏ, rải phân bón như một nông dân chính hiệu. Anh học nghề nấu rượu gia truyền để phát triển kinh tế gia đình. Anh tích cóp mua hơn 20 con bò, không cho mình thời gian rảnh để nghĩ đến ma túy. Hễ “nàng tiên nâu” lảng vảng trong đầu là anh xách liềm đi cắt cỏ. Nhiều khi cỏ trong chuồng bò ăn không hết nhưng anh vẫn cắt. Hàng xóm thấy vậy nghĩ anh bị “điên”. Nhưng anh Tuấn vẫn âm thầm làm và không giải thích. Bởi chỉ có anh mới hiểu mình đang làm gì. Đối với anh, cắt cỏ, dọn chuồng bò là một "cuộc chiến" và anh là "chiến sĩ" chứ không phải chỉ là kiếm sống đơn thuần. Quần quật suốt 2 năm thì anh hoàn toàn khống chế được những dòng tư tưởng lảng vảng trong đầu.
Sau đó, anh bán bò, nghỉ nấu rượu, kinh doanh nhỏ. Nhận thấy khu vực mình sống có nhiều công ty, anh bàn với cha mẹ xây nhà trọ cho thuê để có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, cha anh đã mất 2 năm. Theo lời anh, ông đã ra đi thanh thản vì thấy đứa con trai - niềm hy vọng của ông biết quay đầu làm ăn lương thiện. Anh Tuấn và vợ có 3 người con. Các con vẫn biết quá khứ của anh nhưng không mặc cảm. Vì từng là “dân xã hội” nên anh Tuấn có mắt nhìn người khi đến thuê phòng, biết cách quản lý 17 phòng trọ của mình một cách an ninh, an toàn. Giá phòng của anh chỉ bằng 80% giá trị trường, bởi anh cảm thông cho những công nhân xa xứ. Anh phối hợp Công an xã Mỹ Yên trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu trọ.
|
Chúng tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An trong một ngày mưa. Đón chúng tôi là những cái gật đầu “chào quý khách” từ hàng trăm học viên, là những tiếng cười có khi tỉnh táo, có khi... ngờ nghệch.
|
Trưởng ấp 5, xã Mỹ Yên - Trần Hữu Công gần nhà anh Tuấn. Theo ông Công, anh Tuấn có ý chí, biết sai và sửa sai, làm ăn đàng hoàng. Dù có thời gian nghiện ma túy nhưng anh vẫn giữ tấm lòng lương thiện, không lấy của cho không dù là trái cà, trái ớt. Bởi vậy, người dân rất thương và quý mến anh.
Chúng tôi có gợi ý làm mờ hình ảnh trên báo nhưng anh nói không cần, bởi anh đã chiến thắng ma túy, chiến thắng nỗi mặc cảm, tự ti của mình từ lâu lắm!./.
Châu Thanh