Tiếng Việt | English

07/04/2023 - 09:08

Hãy sử dụng nước có trách nhiệm!

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và gây nhiều lo ngại cho chúng ta.

Long An nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có mối quan ngại càng lớn khi thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn,... dẫn đến sạt, lở bờ sông, bờ kênh, sụt lún, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Giờ đây, mỗi khi vào mùa khô, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn dòng chảy sông Mê Kông và cảm thấy lo lắng khi mực nước ngày một sụt giảm nghiêm trọng.

Trong mối quan ngại đó, Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, nước CHDCND Lào, vào sáng ngày 05/4, với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông” đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là người dân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị này tiếp tục gióng lên hồi chuông nhắc nhở chúng ta lưu vực sông Mê Kông đang đứng trước những thách thức rất lớn do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Điều đó làm cho nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là trên 60 triệu người dân trong lưu vực.

Theo thông tin từ hội nghị, năm 2020, lượng phù sa xuống Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm chỉ còn 1/3 lượng phù sa của 15 năm trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của trên 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Lưu vực sông Mê Kông đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan. Do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với lưu vực sông Mê Kông, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách và hành động liên quan của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, hài hòa của các quốc gia, người dân sinh sống trong lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau,...

Kết thúc hội nghị, Trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Viêng Chăn nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.

Tuyên bố Viêng Chăn của Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cần có thời gian để đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và phụ thuộc vào thiện chí cũng như nỗ lực của các quốc gia liên quan.

Đối với nước ta, nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, sự gia tăng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực. Để bảo đảm sinh kế trong vòng xoáy của biến đổi khí hậu, chúng ta cần có những thay đổi trong tập quán sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt nhất là thói quen sử dụng nguồn nước, ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước. Mọi người cần sử dụng nước có trách nhiệm và tiết kiệm. Trồng cây gây rừng cũng là góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn lá phổi xanh, tạo không khí mát mẻ, trong lành. Chúng ta cũng cần thay đổi thói quen trong sử dụng, xử lý nguồn rác thải, nhất là với ly nhựa, bao bì nhựa bởi chúng có thể gây ô nhiễm đất, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.

Chuyện về an ninh nguồn nước của Ủy hội sông Mê Kông là câu chuyện khu vực, quốc tế. Còn thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, cách bảo vệ môi trường, sử dụng và bảo vệ nguồn nước là câu chuyện của mỗi người và hoàn toàn trong tầm tay. Là người dân sống trong lưu vực sông Mê Kông, chúng ta phải tích cực tham gia và cứu lấy chính mình. Hãy tham gia bảo vệ an ninh nguồn nước bằng các hành động phù hợp, thiết thực!./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết