Đủ loại "bài thuốc" tự chữa, phòng bệnh COVID-19
Trên một số diễn đàn, rất nhiều những câu hỏi như: "Các anh chị ơi, nhà em có 2 người gồm ba và mẹ là F0 nhưng chưa được đưa đi bệnh viện. Hiện giờ, ba mẹ em đã xuất hiện các triệu chứng ho, khó thở. Các anh chị cho em hỏi, giờ em phải mua thuốc gì cho ba mẹ em uống ạ?". Sau câu hỏi trên, đã có vô số câu trả lời, đưa ra các bài thuốc để mách nước điều trị.
Cụ thể như: "Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cafe giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp.
Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, nhớ thoa dầu gió vào lỗ mũi. Chú ý: Loại virus này nó sợ nóng, sợ dầu nên thoa dầu, hít dầu nhiều lần".
Một trang mạng xã hội lan truyền loại thảo dược được cho là trị được virus corona.
Bên cạnh đó, có người lại bày cách sử dụng Đông - Tây y kết hợp: ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin.
Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị COVID-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị COVID-19.
Cụ thể, "trong trường hợp người nhà F0, không triệu chứng và đến ngày thứ 5, 6, 7, 8 mà phát hiện triệu chứng khó thở, nặng ngực hãy tự điều trị cho người nhà theo đơn thuốc gồm: Medrol 16mg, uống 1 lần 1 viên; Salbutamol 4mg, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên; Theophyline 100mg uống 1-2 lần x 1 viên".
Một bài thuốc khác lại "tư vấn" với liệu trình dùng Paracetamol liều cao uống mỗi ngày kèm theo uống nước mật ong, chanh, sả, gừng và xông hơi.
Những bài viết này đã được nhiều người lan truyền, tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì không ai có thể kiểm chứng.
Vô tác dụng, thậm chí gây chết người từ các bài thuốc trên mạng
Liên quan đến việc đưa bài thuốc điều trị bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính áp dụng cho việc điều trị COVID-19, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đây là hành động nguy hiểm bởi bản chất tổn thương cơ bản ở 2 nhóm bệnh này là khác nhau.
Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có cơ chế sinh bệnh là do sự co thắt và dày thành đường dẫn khí (khí quản) khiến bệnh nhân bị khó thở, cần dùng thuốc giảm co thắt, giảm viêm để giãn chúng ra.
Còn tổn thương phổi cơ bản do COVID-19 là tổn thương nhu mô, do nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ, đặc biệt là mạch máu phổi vào ngày thứ 7-10 kể từ khi nhiễm bệnh. Hậu quả là phổi vẫn đưa không khí vào bình thường nhưng oxy không trao đổi được.
Việc áp phác đồ dùng corticoid và thuốc giãn phế quản trong trường hợp mắc COVID-19 hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí gây chết người nếu làm sai. Ngoài ra, các loại thuốc này nằm trong danh mục thuốc kê đơn, không được tự ý sử dụng.
Bài thuốc điều trị COVID-19 được lan truyền trên mạng xã hội.
Về việc dùng Paracetamol liều cao để điều trị COVID-19, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, nếu dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol (trong trường hợp thấy bệnh không thuyên giảm hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh), dẫn tới tổng liều paracetamol hằng ngày vượt quá quy định sẽ dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết.
Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi.
Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có tình trạng vàng da, chán ăn... tức là đã muộn.
Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Ngoài ra, lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim...
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol để chữa COVID-19. Do đó, người dân nên cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng.
Mới đây, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cụ thể đối với người nhiễm COVID-19 (F0) hoặc người tiếp xúc gần (F1) không triệu chứng và không có bệnh nền khi cách ly tại nhà.
- Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc một khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng, lấy số điện thoại của cơ sở y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn. Trang bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng. Cần có một số loại thuốc thiết yếu gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao sức khỏe đông tây y như vitamin C, multivitamin. Chuẩn bị bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ y tế. Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm.
- Mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
- Đeo khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
- Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo...
- Đo thân nhiệt tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.
- Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
- Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly.
- Cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức, khi có một trong các dấu hiệu: sốt trên 37,5 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây).
|
Theo SK&ĐS