Tiếng Việt | English

31/05/2023 - 11:04

Hè và nỗi lo đuối nước

Bước vào kỳ nghỉ hè, học sinh háo hức khi được vui chơi, khám phá nhưng đây cũng là khoảng thời gian đáng lo ngại bởi 3 tháng không phải đến trường, nhiều trẻ, nhất là trẻ em nông thôn thường tự chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời thiếu sự quản lý của người lớn, rất dễ xảy ra tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó, có trên 6.500 trường hợp tử vong. Còn theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em có chiều hướng giảm nhưng con số gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm vẫn là con số quá lớn.

Chỉ trong tháng 4/2023, một số địa phương đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Ngày 10/4, 2 thi thể trẻ em được phát hiện tại vũng nước ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, nguyên nhân được xác định là đuối nước. Trước đó, ngày 08/4, tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, 6 em nhỏ rủ nhau tắm ao, không may 2 em bị đuối nước, tử vong. Ngày 29/4, bà K.A. (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) dẫn 3 đứa cháu đến khu vực đập nước để chơi. Do sơ suất, cả 3 cháu rơi xuống đập, tử vong. Cũng trong tháng 4, một vụ việc đau lòng đã xảy ra tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) khi có 1 phụ huynh và 1 học sinh tử vong do đuối nước khi tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em, các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy bơi. Theo kế hoạch, hè năm 2023, Tỉnh Đoàn Long An sẽ tổ chức ít nhất 30 hoạt động dạy bơi miễn phí hoặc hoạt động phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuy nhiên, dạy bơi thôi chưa đủ mà phải trang bị cho các em những kỹ năng khác để có thể tự bảo vệ mình trong tình huống nguy cấp, bởi thực tế có những trường hợp các em biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước. Nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến việc cho con học bơi nhưng vẫn còn mơ hồ về khái niệm phòng, chống đuối nước. Trong khi đó, không phải cứ biết bơi là trẻ sẽ tuyệt đối an toàn bởi điều kiện thời tiết, độ sâu, xoáy,... của dòng nước thực tế khác rất nhiều với điều kiện trong hồ bơi. Nhiều trường hợp đuối nước do bị chuột rút, bị say nắng hoặc bị cảm, không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu của ao, hồ, sông, suối. Và tai nạn thường xảy ra bất ngờ nên các em không tránh khỏi lúng túng, không biết cách xử lý. Dạy bơi là một trong những cách phòng, chống tai nạn đuối nước nhưng phải dạy thêm cho các em kỹ năng xử lý tình huống. Cha mẹ cần quan tâm, trang bị cho chính mình và cho con em mình những kỹ năng sinh tồn khi đối mặt với tình huống nguy hiểm dưới nước chứ không chỉ là cho trẻ tham gia các lớp học bơi.

Một điều đáng lo khác là tình trạng trẻ em gặp tai nạn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa như vụ việc vừa qua tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Hoạt động ngoại khóa là thiết thực, trang bị cho các em những kiến thức, trải nghiệm thực tế nhưng khi tham gia hoạt động này cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ, tốt nhất là phối hợp các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp để được bảo vệ tốt hơn.

Mùa hè là dịp để học sinh vui chơi, trải nghiệm, học thêm những kiến thức từ thực tế cuộc sống nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn, thương tích cho trẻ. Điều quan trọng chính là sự quan tâm của người lớn, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương để tạo môi trường vui chơi lành mạnh, hạn chế tai nạn cho các em./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết