Tiếng Việt | English

12/10/2022 - 15:10

Hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

Sau hơn 1 năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại Tòa án cho thấy, HGĐT góp phần quan trọng trong việc hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai và tạo sự đồng thuận, xây dựng, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Từ đó, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội tại địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh - Nguyễn Thanh Hải và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Lê Quốc Dũng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Gần 30% người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại

Luật HGĐT tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, tạo bước đột phá, đáp ứng được nhu cầu của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Sau hơn 1 năm thực hiện, Luật HGĐT tại Tòa án từng bước khẳng định hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc cho ngành Tòa án mà còn giúp nhiều đương sự có thêm lựa chọn phương án HG để giải quyết đơn khởi kiện.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật HGĐT tại Tòa án, ngay từ trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Long An khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm làm hòa giải viên (HGV). Đến nay, toàn tỉnh có 72 HGV được bổ nhiệm. Các HGV đều là những người có uy tín trong xã hội, đa số có thời gian công tác trong ngành Tư pháp hoặc cán bộ, lãnh đạo nghỉ hưu, có kiến thức pháp luật sâu, rộng để giải quyết các vụ việc một cách toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia HGĐT.

Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng khẳng định: Sau hơn 1 năm thực hiện Luật HGĐT tại Tòa án trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Theo đó, TAND 2 cấp tỉnh nhận 10.644 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Trong đó, có gần 3.000 trường hợp lựa chọn HGĐT theo Luật, chiếm 27,3%; hiện có 2.522 vụ việc được đưa ra HGĐT, đạt 86,9%. Quá trình tiến hành HGĐT, các HGV tổ chức HGĐT thành 1.355 vụ việc, đạt 53,7%. Số vụ việc còn lại, có 55 trường hợp người bị kiện không đồng ý, 564 trường hợp người bị kiện vắng mặt và 48 trường hợp có lý do khác. Bên cạnh đó, trong số 1.355 vụ việc HGĐT thành, có gần 1.000 trường hợp các bên có yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận kết quả, 92 trường hợp các bên không yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận kết quả và 276 trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện sau khi được HGV tổ chức HGĐT. Trong số đó, nhiều trung tâm HGĐT tại các huyện hoạt động rất hiệu quả. Trung tâm HGĐT tại TAND huyện Đức Huệ với 3 HGV, gồm: Nguyễn Nam Văn, Hồ Chí Tâm và Trần Thị Hờ đã tham gia HGĐT 332 vụ việc. Trong đó, các HGV tiến hành HGĐT thành từ 64 - 75%.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, kết quả thực hiện Luật HGĐT tại Tòa án hơn 1 năm qua khẳng định nỗ lực rất lớn của ngành Tòa án và đội ngũ HGV, qua đó, giúp giảm được số vụ án tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà TAND 2 cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết. Đồng thời, HGĐT góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực, quá tải công việc và thiếu nguồn nhân lực của tòa án, nhất là trước tình hình các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trong nội bộ nhân dân diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp; số lượng thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính của Tòa án trên địa bàn tỉnh tăng qua từng năm.

Tiếp tục đưa Luật vào cuộc sống

Thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, việc ban hành và triển khai, thực hiện Luật HGĐT tại Tòa án là hết sức cần thiết nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác HGĐT tại tòa án, vừa góp phần giảm áp lực công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính tại tòa án, vừa giảm số lượng vụ việc thi hành án dân sự. Đồng thời, HGĐT còn giúp bảo mật thông tin cho các bên, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các vụ việc HGĐT thành còn góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, giảm sức ép cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Quyết định công nhận kết quả HGĐT đều được các đương sự tự nguyện thi hành nhanh chóng, tạo điều kiện cho cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh - Nguyễn Thanh Hải khẳng định: “Những vụ việc HGĐT thành thực sự đã tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên nên sau đó, các đương sự đều tự nguyện, tự giác rất cao trong việc thi hành các thỏa thuận. Với cách thức thân thiện, đồng thuận, trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, “hai bên cùng thắng”, HGĐT góp phần quan trọng trong việc hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình trật tự, xã hội tại địa phương”.

HGĐT là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện mà không phải mở phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, ưu tiên chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp thông qua HGĐT còn ít dẫn đến người dân thiếu thông tin, có trường hợp chưa tin tưởng vào các lợi ích của việc HGĐT. Do đó, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh yêu cầu TAND 2 cấp tỉnh và đội ngũ HGV tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện Luật HGĐT tại Tòa án một cách hiệu quả, thiết thực. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh, đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Luật, tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của nhân dân để người dân hiểu và ưu tiên chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp thông qua HGĐT.

Đồng thời, mỗi HGV cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tận tụy, sáng tạo, đáp ứng những đòi hỏi đặc biệt về kiến thức, kỹ năng và phải đặt mình vào vị trí của các bên, của người dân để có sự chia sẻ, góp phần giải quyết kịp thời, triệt để, hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, bảo đảm hiệu lực thi hành./.

Cần sớm giải quyết vướng mắc trong thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sau hơn 1 năm thi hành Luật HGĐT tại Tòa án, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, việc thi hành Luật vẫn còn một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Thông tin từ TAND tỉnh, Luật không quy định HGV có con dấu riêng nên gây không ít trở ngại trong quá trình ban hành văn bản gửi đến các cơ quan chuyên môn, mời đương sự đến làm việc, HGĐT.

Trong một số trường hợp, khi xuống địa bàn để thông báo phiên HG cho đương sự, HGV chưa nhận được sự hỗ trợ từ địa phương dẫn đến gặp khó khăn, trong khi Luật không quy định UBND cấp xã nơi đương sự cư trú có nghĩa vụ hỗ trợ HGV. Còn Điều 20 của Luật quy định thời gian HGĐT là 20 ngày, kéo dài không quá 30 ngày; riêng các vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Thực tế hiện nay, thời gian HGĐT theo quy định quá ngắn, không đủ để thực hiện, nhất là đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, đến nhiều cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, Luật chưa quy định đồng bộ với các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, các cơ quan Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về một số trường hợp phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác thi hành Luật hiện nay.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết