Hàng ngàn móc khóa có in sẵn số điện thoại của lực lượng công an được cấp phát miễn phí cho người dân tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc
Hàng ngàn móc khóa trao tay người dân
Huyện Cần Giuộc là một trong những địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị khi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 50, đường tỉnh 835, đường tỉnh 835B, đường tỉnh 826 kết nối với TP.HCM và đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tình trạng trộm cắp tài sản, trộm nóng xe, cướp giật tài sản thời gian qua diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên tình trạng cướp giật tài sản của người dân đang lưu thông trên các tuyến đường giao thông.
Theo Công an huyện Cần Giuộc, hoạt động của các đối tượng tội phạm rất tinh vi, manh động, táo bạo, thậm chí rất liều lĩnh trên các tuyến đường giao thông, kể cả các tuyến đường giao thông nông thôn. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ cướp giật, trộm nóng tài sản xảy ra trên địa bàn, sau khi gây án, đối tượng chạy thoát, người dân mới đến cơ quan công an trình báo. Việc chậm trễ trong trình báo vụ việc gây không ít khó khăn cho cơ quan công an trong công tác truy tìm, truy bắt đối tượng.
Trung tá Lưu Văn Việt - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Cần Giuộc, cho biết: “Trước thực tế đó, Công an huyện xây dựng mô hình Móc khóa tố giác tội phạm để người dân kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng công an. Thực hiện mô hình, Công an huyện phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện tổ chức cấp phát gần 2.000 móc khóa cho người dân. Đồng thời, 16/16 xã, thị trấn trong huyện đều triển khai thực hiện mô hình, mỗi địa phương trước mắt cấp phát 1.000 móc khóa cho người dân”. Mỗi móc khóa được cấp cho người dân sẽ có nội dung gồm số điện thoại của Công an huyện và các xã theo từng khu vực vùng thượng và vùng hạ của huyện. Song song với việc cấp phát móc khóa, lực lượng Công an huyện, xã, thị trấn phối hợp UBMTTQ và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là trách nhiệm của người được cấp móc khóa. Theo đó, mỗi người được cấp móc khóa khi phát hiện vụ việc cướp giật trên đường, trộm nóng xe, tài sản trên địa bàn huyện cần nắm được các đặc điểm nhận dạng đối tượng như đặc điểm, phương tiện, hướng tẩu thoát và nhanh chóng điện thoại cho lực lượng công an các xã theo hướng tẩu thoát của đối tượng, sau đó, điện thoại cho Công an huyện để phối hợp truy bắt nóng đối tượng.
Thống kê của lực lượng Công an huyện Cần Đước, đến thời điểm hiện tại, có 11/17 xã, thị trấn cấp phát 29.400 móc khóa tiếp nhận thông tin ANTT, in số điện thoại của chủ tịch UBND, trưởng công an và trực ban công an xã, thị trấn đến từng hộ gia đình. Điển hình như xã Long Trạch cấp phát được 5.000 móc khóa; xã Tân Lân cấp phát 3.200 móc khóa; các xã Phước Đông, Tân Chánh, thị trấn Cần Đước, mỗi địa phương 3.000 móc khóa,... Đặc biệt, mô hình nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân; nhiều hộ dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân sẵn sàng đóng góp kinh phí cùng thực hiện. Công ty Jiahsin, tại xã Long Trạch, tự bỏ kinh phí in ấn trên 1.000 móc khóa cấp phát cho lực lượng công nhân toàn công ty. Trên địa bàn xã Long Cang, từ nguồn kinh phí xã hội hóa tổ chức cấp phát 1.500 móc khóa cho các hộ dân và 500 móc khóa cho quản lý, bảo vệ và công nhân các công ty: Thuận Phương, Lâm Phong, Thành Tân, Kiên Trì,...
Nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm trong nhân dân
Theo Trung tá Lưu Văn Việt, qua tổng hợp số liệu và ghi nhận ý kiến, hầu hết người dân đều đánh giá cao mô hình này và trực tiếp cung cấp hàng trăm tin báo về ANTT cho lực lượng công an địa phương. Riêng với số điện thoại Công an huyện được in trên móc khóa, từ đầu tháng 3-2018 đến nay, tiếp nhận hàng chục tin báo có giá trị của người dân về ANTT, giúp lực lượng công an khám phá nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn, bảo đảm bình yên cho nhân dân.
Chị Lê Thị Trang - công nhân tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Từ ngày được cấp móc khóa tố giác tội phạm, tôi yên tâm hơn, nhất là trong người luôn có số điện thoại của lực lượng công an, khi có vụ việc xảy ra, có thể kịp thời điện thoại báo công an đến can thiệp, hỗ trợ. Chứ ngày trước, có khi trên đường đi làm thấy mấy đối tượng khả nghi hay những vụ việc đá gà, tụ tập đông người gần khu trọ, chúng tôi chẳng biết số điện thoại để báo tin”.
Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết: “Từ mô hình Móc khóa tố giác tội phạm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa và nắm được địa chỉ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, chủ động bảo vệ tài sản của mình và những người xung quanh. Qua đó, góp phần làm giảm các loại tội phạm, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện phát triển bền vững”.
Đánh giá về mô hình, Thượng tá Ngô Văn Nho - Phó Trưởng phòng Phong trào PV28 Công an tỉnh, cho biết: “Mô hình Móc khóa tiếp nhận thông tin ANTT tại huyện Cần Đước và Móc khóa tố giác tội phạm của huyện Cần Giuộc đều được nâng cấp từ mô hình số điện thoại Công an xã được gắn trên các tuyến đường trước đây. Điểm mới của mô hình chính là sức lan tỏa, mỗi hộ dân đều được cấp phát một móc khóa có sẵn số điện thoại của lực lượng công an. Chính điều đó tạo ra tính kịp thời trong việc cung cấp thông tin về tình hình ANTT cho lực lượng công an, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong nhân dân”./.
Kiên Định