“Em người con gái đất Sen Hồng, mang cả tấm lòng ra biển, đảo thăm anh, phải lòng người lính Hải quân, cho em gửi trọn tình đất, tình người, hò... ơ... quê em... hò ơ...”. Đó là câu hò mà nghệ sĩ (NS) Huyền Trân và Nguyễn Sơn đã tranh thủ sáng tác lời mới và hò biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên các đảo cùng đại biểu đang đi trên tàu.
Đội văn nghệ xung kích của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông
“Các NS, ca sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp mong muốn mang lời ca, tiếng hát, nhất là “đặc sản” hò Đồng Tháp đến với Trường Sa. Chúng tôi mong sao các chiến sĩ có thể thưởng thức trọn vẹn câu hò của xứ Sen Hồng, một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc. Qua đó, cổ vũ, động viên tinh thần CBCS và nhân dân đang giữ gìn biển, đảo quê hương”. Đó là chia sẻ của NS Huyền Trân mỗi khi tham gia biểu diễn phục vụ quân, dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Trong các buổi biểu diễn hay chương trình giao lưu giữa quân, dân trên đảo, Đội văn nghệ xung kích có nhiều tiết mục văn nghệ với đa dạng thể loại được thể hiện. Các tiết mục hò ngọt ngào Đồng Tháp luôn được các NS biểu diễn xen kẽ trong mỗi chương trình. Điệu hò vang lên ngân nga, làm xao xuyến trái tim các CBCS Hải quân và cả những người dân đang sinh sống nơi đầu sóng, ngọn gió.
Đại úy Đỗ Xuân Thanh - Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, đảo Trường Sa, chia sẻ: “Tiết mục hò Đồng Tháp chất chứa tình yêu quê hương, mang những cảm xúc đặc biệt đến CBCS nơi đầu sóng, ngọn gió. Nghe những ca từ trong mỗi điệu hò, chúng tôi cảm thấy rất gần gũi, thân thương, làm vơi đi nỗi nhớ quê hương, nhớ đất liền. Các NS của tỉnh Đồng Tháp cảm nhận rất nhanh đời sống, tinh thần của CBCS Hải quân, nhất là cảm nhận về tinh thần, ý chí của quân, dân trên các đảo để cho ra đời tác phẩm mới được ngay. Chúng tôi mong muốn sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa những điệu hò Đồng Tháp. Trong mỗi câu hò ấy đều mang hơi thở Trường Sa, đậm nét về hình ảnh về người chiến sĩ Hải quân”.
Đáp lại sự tin yêu của các CBCS trên các đảo, nhà giàn, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật biểu diễn và đào tạo, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Sau chuyến công tác lần này, Trung tâm sẽ phát động cuộc thi Sáng tác các điệu hò mang chủ đề về biển, đảo, về Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những điệu hò mà các NS của Trung tâm vừa sáng tác hôm nay sẽ là những chấm phá đầu tiên để các NS tiếp tục sáng tác sau khi về đất liền. Chúng tôi cũng mong một ngày gần nhất sẽ lại được gặp CBCS Trường Sa để giao lưu và biểu diễn các tác phẩm mới này. Mỗi NS của đoàn đều mong muốn được cống hiến, biểu diễn phục vụ quân, dân nơi biển, đảo tiền tiêu. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, mong các anh vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc”.
Đội văn nghệ xung kích của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp biểu diễn trên đảo Đá Tây A
Điệu hò xứ Sen Hồng không chỉ làm say lòng các CBCS nơi biển, đảo mà còn chạm đến cả trái tim những NS gạo cội. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Tôi đã có 2 lần đi thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1. Chuyến thứ 3 này tôi mới được nghe nhiều về điệu hò Đồng Tháp và thấy được sự quyến rũ của thể loại này. Giữa không gian mênh mông của biển trời, giọng hò của các NS vang lên làm xao xuyến lòng người. Tôi nhận thấy, việc giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa như hò Đồng Tháp rất có ý nghĩa. Mỗi tiết mục hò Đồng Tháp được biểu diễn ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 như khẳng định sức lan tỏa của di sản văn hóa này đến tận những vùng phên giậu của Tổ quốc”.
Với trên 10 chương trình văn nghệ, giao lưu được biểu diễn liên tục, các NS, ca sĩ Đồng Tháp đã hết mình trong từng tiết mục. Hò Đồng Tháp đã đến với các CBCS trên các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa, Nhà giàn DK1. Tàu rời cảng kết thúc hành trình thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1 cũng là lúc khơi dậy nguồn cảm hứng cho các NS tỉnh Đồng Tháp đối với việc tuyên truyền, quảng bá câu hò Đồng Tháp về biển, đảo. Ai cũng mong muốn tiếp tục đưa hò Đồng Tháp ngân vang và vươn xa hơn trong dòng chảy âm nhạc dân tộc đến các vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc./.
Quang Tiến