Sau khi được duyệt, có tên trong danh sách đi công tác Trường Sa, tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi. Ngoài đồ nghề lỉnh kỉnh như laptop, máy ảnh, 2 ống kính, máy quay, thiết bị quay chống nước (Go Pro), áo ấm, áo mưa,... anh em đi công tác Trường Sa còn phải chuẩn bị nhiều túi nylon có dây buộc để bảo quản các thiết bị, máy móc tránh bị hư hỏng bởi nước biển và không khí có nhiều hơi muối. Khi ra đến địa điểm tập kết tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi còn được các cán bộ, chiến sĩ "khuyến cáo" là phải kiếm một chiếc bao nhựa dày để cho vào đấy máy móc, quần áo sẽ mặc khi từ tàu lên đảo tác nghiệp trong 1-2 giờ ngắn ngủi.
Đặc biệt, những nhà báo nào từng đi biển, đảo dày dạn kinh nghiệm sẽ khuyên các “lính mới” là phóng viên đi đảo Trường Sa lần đầu cần trang bị chừng nửa ký củ gừng già, mang theo trong ba lô. Củ gừng già này rất đắc dụng, thái ra thành lát mỏng, ngậm trong miệng để sẵn sàng đối phó khi lên tàu, đối diện với những con sóng bạc đầu hay những đợt giông tố cứ nhồi chụp không ngớt vào mạn tàu khiến cho anh chị em nôn ói đến mật xanh.
Đoàn công tác chuẩn bị vào thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây - đảo nhộn nhịp nhất trong hoạt động tiếp sức ngư dân Việt Nam bám trụ trên biển Đông
Nói về chuyện say sóng khi đi Trường Sa thì khó ai tránh cảnh phải “lên bờ, xuống ruộng” vì lắc lư giữa trùng khơi. Cảm giác say sóng rất khó chịu khi “không còn gì trong người để nôn”, chỉ uống nước cháo loãng cầm hơi, khi tỉnh dậy sẽ bị chóng mặt, bồng bềnh trong đầu, ngồi dậy là lại muốn té ngã dúi dụi. Có nữ đồng nghiệp phải truyền hết 12 chai dịch truyền trên tàu và sử dụng cả 4-5 chai của đảo khi tàu cập đảo vì say sóng. Cũng từ chuyến đi có 1 phóng viên nữ không đủ sức khỏe để theo hành trình vất vả này mà lần tiếp theo đã áp dụng quy định phải khám sức khỏe gắt gao cho phóng viên báo, đài trước khi lên tàu ra đảo. Đợt chúng tôi đi trong đoàn của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ thay, thu quân và chúc tết cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo Trường Sa cũng là lần đầu tiên áp dụng quy định mới này và đã có một vài phóng viên ngậm ngùi ở lại đất liền.
Tàu KN491 như tòa nhà cao tầng khổng lồ nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh trong ánh chiều tà sau nghi thức đưa tiễn trang trọng và ý nghĩa. Buổi cơm đầu tiên của chúng tôi trên tàu sẽ khó quên trong đời, không phải vì anh em phóng viên lần đầu “ăn cơm bộ đội” theo kiểu đúng giờ có còi hụ thông báo, loa phóng thanh vang lên “mời thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ, các phóng viên, nhà báo đến căng tin dùng cơm” mà còn là trạng thái của bữa ăn. Dù là tàu thuộc hàng hiện đại nhất, nhì ở Đông Nam Á, sử dụng công nghệ cân bằng trọng lực bằng thủy lực của Hà Lan nhưng trong bữa ăn, các anh em báo, đài không tránh khỏi cảm giác bồng bềnh, phải 1 tay ghì vào bàn ăn bằng inox sáng loáng, 1 tay cầm đũa. Đã có đồng nghiệp nam trẻ tuổi, dáng vẻ khỏe mạnh công tác tại một tờ báo tỉnh phía Bắc chưa kịp nuốt ngụm cơm đầu tiên vào miệng đã phải "nôn thốc, nôn để" và được dìu về phòng nghỉ, được các “chiến sĩ đầu bếp” ưu tiên nấu cháo thịt bằm, phục vụ tận giường cho mau lại sức.
Hoạt động tuần tra bảo vệ biển, đảo và sẵn sàng hỗ trợ ngư dân bám biển
Sau 2 ngày 1 đêm di chuyển liên tục, tàu KN491 rẽ sóng cặp vào đảo Đá Lát. Đây là đảo chìm được bồi lấp trên những rạn san hô nổi lên giữa biển nên đảo giống như cột mốc sống chủ quyền vững chắc của Tổ quốc giữa biển Đông. Do đá ngầm và sóng lớn nên tàu KN491 phải neo đậu cách đảo Đá Lát gần 3km. Từ đây, đoàn công tác sử dụng canô (xuồng máy) chuyên dụng được hạ từ mạn tàu KN491 để “tăng bo” con người và hàng hóa vào đảo. Sóng lớn, từ tàu KN491, muốn xuống được xuồng máy để vào đảo cũng là việc không hề dễ dàng, có thể dẫn đến tai nạn nếu không tuân thủ hướng dẫn và hiệu lệnh của cán bộ điều hành. Các thành viên đoàn công tác phải thực hiện động tác dứt khoát, chính xác, tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống xuồng máy thật nhanh, gọn, tránh bị vấp, ngã xuống biển hoặc xuống xuồng gây chấn thương là điều không hiếm.
Tác giả đang tác nghiệp tại đảo Trường Sa Lớn
Ngoài việc đó, anh em phóng viên phải chạy đua với thời gian và công việc để tác nghiệp hiệu quả. Đây là điều không dễ để có thể một mình vừa ghi nhận, phỏng vấn, chụp ảnh, quay video để đưa tin, làm các phóng sự báo in, phóng sự truyền hình về công tác sẵn sàng chiến đấu, đời sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thông thường, mỗi lần vào một đảo, sau gần 30 phút thực hiện nghi thức gặp mặt, động viên, lắng nghe báo cáo tình hình trên đảo, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực chiến ngày đêm tại đây thì cánh báo chí chỉ còn chừng 20-30 phút để tác nghiệp các mảng về đời sống trên đảo như công tác trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm để tăng gia sản xuất; học tập, rèn luyện trên thao trường, lớp học.
Nếu không có kinh nghiệm và sự sắp xếp các phần việc hợp lý, phối hợp hiệu quả thì ngoài bản tin không khó để hoàn thiện, còn lại các đồng nghiệp mới lần đầu đi đảo sẽ dễ bị thiếu các nội dung quan trọng cho tác phẩm báo chí đặc thù như phóng sự truyền hình thiếu các phỏng vấn nhân vật, thiếu các cụm hình về đời sống, sinh hoạt, rèn luyện của chiến sĩ. Bởi thế, qua những lần đi tác nghiệp tại Trường Sa dài gần 1 tháng liên tục, sẽ rèn luyện cho phóng viên về kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng tác chiến độc lập và kỹ năng làm việc theo nhóm; dạn dày bản lĩnh nghề nghiệp và cả sức khỏe.
Theo Thuyền trưởng tàu KN491 - Nguyễn Thanh Hải, vùng biển, đảo này mỗi năm có trên 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên, gió Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây nhiều khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo, nhất là cuộc sống, sinh hoạt, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo. Bất chấp những điều đó, suốt nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ cũng như các thế hệ nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc./.
Nguyễn Chí Thanh