Câu 1: Pháp luật quy định người có chức vụ, quyền hạn bao gồm những ai?
Trả lời:
Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012 (sau đây gọi là Luật Phòng, chống tham nhũng).
Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Câu 2: Đề nghị cho biết quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 6 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
Câu 3: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền gì?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền sau đây:
- Được biết lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin;
- Từ chối cung cấp các thông tin thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ, thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai, thông tin không liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu;
- Yêu cầu người được cung cấp thông tin sử dụng thông tin đó hợp pháp và bảo đảm tính chính xác khi sử dụng thông tin đó.
Câu 4: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có nghĩa vụ như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;
- Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin biết trong trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được;
- Hướng dẫn tiếp cận thông tin được yêu cầu trong trường hợp thông tin đó đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai;
- Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Câu 5. Pháp luật quy định như thế nào về bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân?
Trả lời:
Để bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Điều 11 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định như sau:
- Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có căn cứ cho rằng việc cung cấp thông tin là chưa đầy đủ hoặc trái pháp luật thì có quyền khiếu nại.
- Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyền yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Câu 6. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của công dân khi tố cáo hành vi tham nhũng?
Trả lời:
Theo quy định tại Khỏan 1 Điều 25 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Quy định về trách nhiệm của công dân khi tố cáo hành vi tham nhũng cụ thể như sau:
Khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Người tố cáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trả thù, trù dập do việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Câu 7. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc xây dựng nội dung phối hợp công tác về phòng, chống tham nhũng?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật phòng, chống tham nhũng:
Cơ quan Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng nội dung phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng. Nội dung phối hợp được quy định trong quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nội dung phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng phải căn cứ vào yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nội dung phối hợp có những hoạt động chủ yếu sau: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phối hợp trong việc cung cấp thông tin, phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng; các biện pháp tổ chức thực hiện; trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp./.
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Long An