Trao cần câu cho hội viên
Chủ tịch Hội LHPNVN xã An Ninh Đông - Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết: “Hội LHPNVN xã có 1.228 HV. Thời gian qua, chị em HV luôn chú trọng công tác hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, xóa nghèo, ổn định cuộc sống. Chi hội PN các ấp duy trì những mô hình thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương: Tổ PN không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Tổ HV PN phân loại rác tại nguồn; Tổ HV PN phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ liên kết đan cần xé ấp Hòa Hiệp 1, Tổ PN chằm nón lá;... góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Hội viên phụ nữ ấp Hòa Hiệp 1 với nghề đan cần xé
Chị Nguyễn Thị Cột, ngụ ấp An Hưng, xã An Ninh Đông, chia sẻ: “Tôi có 2 con còn nhỏ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê của tôi không đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ðược Hội LHPNVN xã tạo điều kiện cho tôi vay vốn mua dụng cụ chằm nón lá nên thu nhập của gia đình từng bước được cải thiện. Giờ con gái lớn của tôi sau giờ học cũng phụ giúp chằm nón nên cuộc sống ổn định hơn”.
Với phương châm “Trao cho cần câu hơn là con cá”, những năm qua, Hội LHPNVN xã An Ninh Đông luôn tạo điều kiện cho HV vay vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tư vấn phương thức phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều HV thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định hơn. Không chỉ riêng gia đình chị Cột mà nhiều hộ gia đình HV khác như gia đình chị Dung, chị Ý, chị Huê,... cũng thoát nghèo từ nguồn vốn của hội.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ ấp An Thuận, xã An Ninh Đông, cho hay: “Hội LHPNVN xã thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá nguyên nhân nghèo của các gia đình do PN làm chủ hộ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Hầu hết chị em rơi vào cảnh nghèo vì lớn tuổi, bệnh tật, mất sức lao động. Một số chị em khác gặp khó khăn do thiếu đất, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất. Từ đó, hội quan tâm, tạo điều kiện cho HV tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để chị em đầu tư làm kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm
Hiện nay, Hội LHPNVN xã An Ninh Đông còn 20 hộ nghèo do PN làm chủ hộ, qua khảo sát có đủ điều kiện được hội giúp đỡ. Ngoài hỗ trợ vay vốn, các chị em còn được tham gia các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và giới thiệu việc làm tại các cơ sở trên địa bàn như chằm nón lá, đan lát, may gia công,... Với công việc này, chị em vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa có thể chăm lo gia đình và cải thiện thu nhập.
Chi hội PN ấp Hòa Hiệp 1 là một điển hình của hội trong hỗ trợ HV thoát nghèo. Hầu hết hộ HV trước đây sống bằng nghề nông. Làm ruộng thì thời tiết thất thường, “được mùa, rớt giá” nên việc phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Đa phần đời sống của các hộ dân, trong đó có nhiều HV PN rất khó khăn. Trước thực tế đó, Chi hội PN ấp đề ra các giải pháp chia sẻ nỗi vất vả với HV bằng cách hỗ trợ HV vay vốn, đầu tư nghề đan cần xé để cải thiện thu nhập. Hiện ấp Hòa Hiệp 1 có 4 tổ với gần 50 hộ duy trì nghề này. Chị Trần Thị Bích, ngụ ấp Hòa Hiệp 1, cho biết: “Ngoài hỗ trợ vay vốn ưu đãi, Hội LHPNVN xã còn vận động, tuyên truyền để HV cố gắng bám nghề, vừa cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo, vừa góp phần duy trì làng nghề truyền thống”.
Những mô hình hỗ trợ nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế của Hội LHPNVN xã An Ninh Đông thời gian qua thực sự phát huy hiệu quả. Qua đó, giúp HV từng bước cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững và góp phần thu hút chị em PN tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội ngày càng nhiều./.
Song Hồng