Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 17:25

Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ

Ngày 19/9, Sở Y tế Long An tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Thông tư số 51/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ cho các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phản vệ được phân thành 4 mức độ: Nhẹ (độ I), nặng (độ II), nguy kịch (độ III) và ngừng tuần hoàn (độ IV). Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Thông tư số 51/2017/TT-BYT áp dụng đối với cơ sở KCB, người hành nghề KCB và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư quy định rõ cơ sở KCB, bác sĩ, nhân viên y tế phải bảo đảm nguyên tắc dự phòng phản vệ: Chỉ định đường dùng thuốc phù hợp nhất, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác; không phải thử phản ứng cho tất cả thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ theo quy định; không được kê đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc hoặc dị nguyên đã biết rõ gây phản vệ cho người bệnh.

Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ

Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, nhân viên y tế khác phải xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ. Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay sau khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.

Dự tập huấn, đại biểu được cập nhật một số điểm chính trong chẩn đoán phản vệ, chẩn đoán mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ, xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt, khai thác tiền sử dị ứng và hướng dẫn chỉ định làm test da.

Theo Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An – bác sĩ Bùi Hoàng Hải, các cơ sở y tế cần trang bị đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ, trang thiết bị y tế cần thiết để có thể xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ các trường hợp có dấu hiệu phản vệ xảy ra trong quá trình KCB./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết