Tiếng Việt | English

11/01/2024 - 09:21

Hướng tới đổi mới công nghệ thu gom, xử lý rác

Trong những năm gần đây, tình trạng gia tăng rác thải đang trở thành áp lực đối với môi trường. Theo đó, việc thu gom, xử lý rác luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Gần đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh Long An, đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Võ Minh Thành về vấn đề này.

Có những nơi, rác vẫn vứt bừa bãi nên các đoàn thể thu gom, dọn dẹp

Có những nơi, rác vẫn vứt bừa bãi nên các đoàn thể thu gom, dọn dẹp

Theo ông Võ Minh Thành, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 725-850 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 400 tấn/ngày ở nhiều địa phương trong tỉnh được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (đóng tại huyện Thạnh Hóa). Cụ thể, có một phần huyện Đức Hòa, Bến Lức (200 tấn/ngày), Thủ Thừa (30 tấn/ngày), Tân Trụ (15 tấn/ngày), Châu Thành (25 tấn/ngày), Thạnh Hóa (11 tấn/ngày),

Tân Thạnh (9 tấn/ngày) và TP.Tân An (110 tấn/ngày). Đồng thời, một phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày được thu gom, đưa về xử lý tại Công ty Vietstar (huyện Củ Chi, TP.HCM). Còn một phần chất thải rắn của huyện Cần Đước và Cần Giuộc, với khoảng 150 tấn/ngày được đưa đến Nhà máy xử lý rác Đa Phước xử lý.

Trong khi đó, rác thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Tân Hưng khoảng 15 tấn/ngày được xử lý theo hình thức đốt tại lò đốt của huyện. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng khoảng 15 tấn/ngày được xử lý bằng hình thức ủ phân compost và chôn lấp tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường khoảng 30 tấn/ngày được xử lý theo hình thức đốt tại lò đốt rác của thị xã Kiến Tường. Còn chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Đức Huệ khoảng 15 tấn/ngày được thu gom, đem về bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.

Theo ông Võ Minh Thành, từ thực trạng trên cho thấy, hiện nay, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghệ xử lý rác chưa bảo đảm công tác bảo vệ môi trường. Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2019, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND tỉnh, ngày 16/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.

Sau đó, để phù hợp với tình hình thực tế, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2025, thay thế kế hoạch số 104. Theo kế hoạch số 3558, để đáp ứng yêu cầu xử lý rác cũng như công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý, UBND tỉnh chủ trương: Nâng công suất nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa lên 500 tấn/ngày và chuyển đổi công nghệ từ đốt gia nhiệt sang đốt rác phát điện. Tiếp nhận mới 3 nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện gồm: 1 nhà máy trên địa bàn huyện Đức Hòa, 1 nhà máy trên địa bàn huyện Cần Giuộc và 1 nhà máy trên địa bàn huyện Thạnh Hóa với tổng công suất 750 tấn/ngày.

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh dao động khoảng 725 - 850 tấn/ngày

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh dao động khoảng 725 - 850 tấn/ngày

Kết quả đến nay, Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa đã được UBND quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2497/QĐ-UBND, ngày 22/7/2020 để công ty nâng công suất, chuyển đổi công nghệ. Hiện nay, Công ty đã liên hệ các ngành của tỉnh hoàn thiện hồ sơ về công nghệ, lập quy hoạch để triển khai dự án. “Còn việc kêu gọi đầu tư mới 3 nhà máy xử lý rác gặp nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn chưa hoàn thành xúc tiến đầu tư 3 nhà máy trên” - ông Võ Minh Thành cho biết.

Vì vậy, trong thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 3 vị trí quy hoạch nên trên; đồng thời, phối hợp UBND TP.HCM hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý rác tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa) để đáp ứng yêu cầu xử lý rác trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN&MT, một trong những yếu tố quan trọng là ý thức của người dân trong việc phân loại và để rác đúng nơi quy định. Vì vậy, giải pháp chủ yếu và căn cơ trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết