Bài 2: Nỗi lòng người ở lại
Các anh hy sinh vì dân, vì nước. Sự mất mát của gia đình là điều không gì bù đắp được. Nhưng rồi, giữa đau thương, người ở lại vẫn tiếp tục hành trình phía trước. Hành trang mang theo có cả lời thầm nhủ sẽ thay các anh hoàn thành những điều dang dở.
Vợ của liệt sĩ Tống Duy Tân dành thời gian vui đùa bên con
“Cha con là anh hùng”
Con gái Thượng úy Tống Duy Tân năm nay 5 tuổi. Chưa từng được gặp cha nhưng trong tâm trí em, cha là một anh hùng.
Ông Nguyễn Văn Hòa kể: “Con bé biết cha làm công an, vì bắt cướp mà hy sinh. An Nhiên hay nói cha con là anh hùng. Bé Tống Nguyễn An Nhiên lanh lợi, hoạt bát lắm, được thầy cô và đồng đội của cha yêu mến, nhận làm con nuôi”.
Như để chứng minh điều mình nói, ông Hòa giới thiệu với chúng tôi tủ quần áo, đồ chơi, dụng cụ học tập của bé,... Tất cả đều do đồng đội của Thượng úy Tân tặng bé.
Ông Hòa chia sẻ, trước đây, ông từng lo lắng cháu sẽ thiệt thòi, tủi thân khi lớn lên vắng bóng cha nhưng nỗi lo ấy vơi dần khi thấy cháu được các cô, chú đồng nghiệp của cha quan tâm. Có lần, ông nghe cháu kể: “Hôm nay, có bạn nói con không có cha nhưng mà con nói với bạn con có nhiều cha lắm, đúng không ông?”. “Lúc đó, tôi vừa thương cháu, vừa biết ơn sự quan tâm mà chính quyền các cấp cũng như đồng chí, đồng đội của Tân dành cho gia đình” - ông Hòa nói.
5 năm sau ngày Thượng úy Tống Duy Tân hy sinh, gia đình vẫn gìn giữ những kỷ vật của anh như thể anh vẫn đang đi một chuyến công tác xa nhà. Hình ảnh vợ chồng từ ngày cưới, trang phục, cảnh phục và cả chiếc xe máy anh dùng khi tuần tra ngày hôm đó vẫn được giữ gìn cẩn thận.
Đôi tuần một lần, ông Nguyễn Văn Hòa đem xe máy ra lau chùi, nổ máy để không hư hỏng. Đây là chiếc xe kỷ vật của Thượng úy Tân mà ông Hòa vô cùng trân trọng. Trên xe vẫn còn vết xước do tai nạn ngày hôm đó. Lau nhẹ vết bụi trên xe, ông Hòa nói như nói với chính mình: “Nhà ngay mặt đường nên để vài ngày là bụi phủ đầy. Chiếc xe này còn chạy tốt nhưng cứ trùm mền hoài nó hư hỏng mất, lâu lâu phải đem ra nổ máy, để sau này bé Nhiên lớn thì trao lại cho cháu. Con bé cần biết về cha mình”.
Đang nói chuyện, ông Nguyễn Văn Hòa liếc nhìn đồng hồ vì sợ trễ giờ đón cháu. Gia đình ông chỉ có chị Nguyễn Ngọc Hương là con duy nhất, từ khi anh Tân hy sinh, ông trở thành chỗ dựa cho con gái và cháu ngoại. Vợ chồng ông nhận phần đưa đón cháu để con gái yên tâm làm việc.
Sau giờ làm, chị Nguyễn Ngọc Hương - vợ anh Tân, vội vã về nhà. Thấy bóng mẹ trước ngõ, bé An Nhiên chạy ra ôm chầm. Hai mẹ con chuyện trò rồi chị xin phép ông bà đưa bé về nhà riêng.
Chị Hương chia sẻ: “Bé An Nhiên rất mạnh mẽ, ngoan ngoãn, hiểu chuyện và luôn tự hào về cha. Hiện tại, con bé là niềm an ủi, động viên to lớn của tôi. Mặc dù cha không còn bên cạnh nhưng bé vẫn được sống trong tình yêu thương ấm áp của ông bà, mẹ và đồng đội của cha. Tôi mong sau này lớn lên, bé sẽ trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người cha anh hùng”.
Nhìn nụ cười hồn nhiên của bé An Nhiên, ai cũng cảm thấy xúc động và ấm lòng. Và có lẽ, cái tên An Nhiên mà gia đình đặt cho bé cũng bởi mong muốn bé được sống trong bình an, vui vẻ, với tâm hồn trong sáng như chính nụ cười của bé.
Đi tiếp cuộc hành trình
Nhà Trung tá Nguyễn Xuân Hào nằm sâu trong ấp, phải đi qua nhiều đoạn quanh co. Căn nhà 2 mái nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, trồng nhiều cây xanh quanh nhà đậm chất nhà nông. Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Dư - cha Trung tá Hào, chuẩn bị tham gia cuộc họp ở ấp. Trước đây, ông là cán bộ khuyến nông xã Lộc Giang. Từ khi nghỉ hưu, ông là Phó Bí thư Chi bộ ấp, là một trong những thành viên cốt cán thực hiện các phong trào. Gia đình có truyền thống cách mạng nên ông Dư luôn căn dặn các con khi làm việc phải hết lòng, sống thẳng ngay.
Ông Dư có 3 người con, Trung tá Nguyễn Xuân Hào là con giữa, cũng là con trai duy nhất của gia đình nên ông dự định mọi trọng trách gia đình sau này sẽ giao cho anh. “Hào là cháu đích tôn của cả bên nội lẫn bên ngoại nên tôi định sau này việc hương khói trong nhà sẽ giao cho con. Do công việc đều ở thị trấn Hậu Nghĩa nên vợ chồng Hào sống ở đó cho thuận tiện đi làm. Cứ cuối tuần, ngày giỗ, ngày lễ, vợ chồng lại về đây. Bây giờ thì vợ chồng con gái út của tôi về sống chung cho gia đình đỡ phần hiu quạnh” - ông Dư chậm rãi nói.
Trong nhà, các di vật của Trung tá Hào được gia đình để vào tủ kính, giữ gìn cẩn thận. Đứng trước di vật của con, ông Dư trầm ngâm rồi chầm chậm chỉ từng vật dụng: “Đây là cái tủ Hào hay dùng, chỗ này là vật dụng cá nhân con để ở đơn vị,...”. Đôi giày, chiếc áo, chai dầu gió,... và cả những quân trang anh đeo trên người trong ngày định mệnh ấy đều được gia đình gìn giữ. Vật dụng vẫn còn đây nhưng người con trai duy nhất của gia đình thì mãi mãi rời xa vì bình yên cho bao người khác.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dư (huyện Đức Hòa) lưu giữ các kỷ vật của Trung tá Nguyễn Xuân Hào trong tủ kính
Theo ông Dư, từ ngày nhỏ, Trung tá Hào đã rất yêu nghề. Gia đình không có ai theo ngành nhưng anh lại đặc biệt say mê nên quyết tâm học để thi vào công an. Trong suốt quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Xuân Hào nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, UBND huyện. Rồi anh ngã xuống cũng vì bình yên của Nhân dân!
Sự ra đi của Trung tá Nguyễn Xuân Hào, Thượng úy Tống Duy Tân để lại phía sau nỗi đau không gì bù đắp được nhưng gia đình các anh, những người ở lại vẫn mạnh mẽ dìu nhau bước tiếp đoạn đường phía trước./.
(còn tiếp)
Bài 3: Phát huy truyền thống Công an Nhân dân
Quế Lâm - Hà Lan