Bài 1: Anh ra đi vì bình yên quê hương
Gia đình nào cũng mong muốn có cuộc sống bình yên. Sau một ngày làm việc vất vả được trở về sum họp với người yêu thương, quây quần bên mâm cơm nóng hổi vốn là niềm hạnh phúc. Nhưng đối với các gia đình liệt sĩ, niềm hạnh phúc ấy không còn trọn vẹn từ ngày các anh ngã xuống để bảo vệ bình yên cho quê hương.
Hơn 1 năm sau ngày Trung tá Nguyễn Xuân Hào hy sinh, ông Nguyễn Văn Dư vẫn không kìm được xúc động khi nhắc về con trai
Anh chẳng bao giờ thất hứa, nhưng lần này...
Cũng như bao ngày làm việc khác, Trung tá Nguyễn Xuân Hào ăn sáng cùng vợ trước khi vào đơn vị. Ra đến cổng, như nhớ ra điều gì đó, anh quay lại nhắc vợ đừng gọi cho mình vì anh phải đi công tác, sợ ảnh hưởng công việc. Bình thường, trong giờ làm, vợ chồng anh Hào cũng ít liên lạc với nhau vì anh hay nói với vợ rằng, khi làm việc, anh không tiện nghe điện thoại. Nhưng do công tác lần này quan trọng, đã nắm được tinh thần từ trước nên anh quay vào nhà căn dặn vợ thêm lần nữa.
Chị Trần Thị Phương - vợ Trung tá Hào, đáp lời chồng rồi cũng vội vã chuẩn bị đến trường cho kịp. Chị quá quen việc hạn chế liên lạc với chồng khi anh đi công tác bởi yêu cầu công việc đòi hỏi phải giữ bí mật. Quyết định gắn bó cùng anh nghĩa là chị sẵn sàng chia sẻ và cảm thông, đồng ý đặt mình sau công việc của anh. Chị không mảy may nghĩ ngợi gì, bởi anh chưa bao giờ thất hứa với chị. Lần nào xong việc, anh cũng gọi ngay cho chị, rồi về nhà, bởi anh biết chị đang đợi anh bên mâm cơm nóng hổi.
Chiều, từ trường về nhà, chị Phương ghé qua khu chợ nhỏ mua ít thức ăn để chuẩn bị bữa cơm. Chị muốn khi chồng về, cơm canh đã sẵn.
Ở đơn vị, anh Hào cùng đồng đội cũng lên đường làm nhiệm vụ. Đây là chuyên án về ma túy mà Công an tỉnh điều tra, theo dấu trong nhiều tháng trước. Ngay khi ban chuyên án tiếp nhận nguồn tin chiếc xe bán tải vận chuyển ma túy đang hướng từ khu vực biên giới lưu thông qua Đường tỉnh 824, thuộc địa bàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, kế hoạch vây bắt phương tiện được vạch ra cụ thể và chặt chẽ. Trung tá Hào thuộc Tổ Cảnh sát giao thông chốt chặn trên Đường tỉnh 824. Thấy ôtô có dấu hiệu khả nghi, tổ làm việc yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra. Do trên xe có chở ma túy nên các đối tượng liều lĩnh và manh động. Chúng điều khiển xe lao thẳng vào Trung tá Hào và người dân trên đường hòng chạy thoát. Cú tông mạnh khiến Trung tá Hào hy sinh.
Các quân trang Trung tá Nguyễn Xuân Hào mang trên người trong ngày anh hy sinh
Ông Nguyễn Văn Dư - cha của Trung tá Hào, nhớ lại, chiều hôm đó, sau khi cơm nước xong, ông ra hiên nhà ngồi. Vợ ông và con gái tản bộ trên con đường nhỏ trước nhà. Sau cuộc điện thoại thông báo “Anh Hào bị tai nạn, đã được đưa vào bệnh viện”, cả nhà hoang mang, lo lắng. Ông nhớ có người căn dặn gia đình nên thuê xe ôtô, đừng đi xe máy mà nguy hiểm, điều đó khiến ông có dự cảm không lành! Suốt dọc đường đi, những cuộc gọi hỏi thăm dồn tới nhưng ông không còn nhớ rõ. Cho đến giây phút nhìn thấy con trai trên giường bệnh trong bệnh viện, ông Dư vẫn không tin mình đã mãi mãi mất con.
Sau hơn 1 năm kể từ ngày Trung tá Nguyễn Xuân Hào hy sinh, bàn thờ anh vẫn được thắp nhang suốt cả ngày. Ông Dư kể: “Cho đến bây giờ, vợ tôi thi thoảng vẫn lặng lẽ lau chùi, sắp xếp lại các di vật của con trai và khóc một mình. Đây là chiếc áo, cái nón con trai sử dụng khi còn sống. Đây là bộ chiếu gối đơn sơ nằm khi trực đêm tại cơ quan. Tất cả còn nguyên đó, chỉ có con là mãi mãi ra đi vì bình yên của quê hương, đất nước”.
Chưa kịp nghe con gọi “cha ơi!”
Rời nhà Trung tá Nguyễn Xuân Hào, chúng tôi đến thăm gia đình Thượng úy Tống Duy Tân (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước). Căn nhà tình nghĩa được đồng đội cất cho vợ và con gái anh ở ngay cạnh bên gia đình cha mẹ vợ. Ngày anh ra đi, vợ chồng vẫn chưa có được ngôi nhà riêng, vợ anh đang ở cữ vì con gái đầu lòng chưa tròn 6 tháng tuổi.
Ảnh gia đình của Thượng úy Tống Duy Tân và vợ vẫn được giữ nguyên vẹn trong nhà
Sau khi cưới, do Thượng úy Tân công tác tại huyện Đức Huệ, vợ làm việc tại tỉnh Tiền Giang nên vợ chồng thuê nhà ở TP.Tân An để rút ngắn quãng đường cho cả hai. Mỗi tuần, đôi khi là mỗi tháng, vài lần, anh chị gặp nhau trong niềm nhớ thương da diết. Nhưng vì nhiệm vụ, anh chỉ có thể dỗ dành chị cảm thông: “Rồi thế nào mai mốt cũng gom về một mối mà!”. Khi chị mang thai và sinh con gái đầu lòng thì anh được chuyển công tác về huyện Cần Đước cho gần nhà. Do vợ đang trong giai đoạn ở cữ tại nhà mẹ ruột nên mỗi ngày, anh đều về giúp vợ chăm con.
Ông Nguyễn Văn Hòa - ba vợ của Thượng úy Tống Duy Tân, nhắc: “Tân hiền và giỏi lắm, rất thương vợ con. Trong nhà, Tân không nề hà bất cứ việc gì. Chàng rể này, vợ chồng tôi ưng bụng lắm, thương như con trai ruột trong nhà”.
Chiều hôm đó, cũng như bao ngày khác, anh Tân ghé về nhà ăn cơm, tranh thủ chơi với con một chút trước khi vào đơn vị. Từ khi được công tác gần nhà, trừ khi phải làm nhiệm vụ, còn lại anh đều tranh thủ về nhà ăn cơm cùng gia đình. Có lẽ những ngày tháng xa nhà trước đó khiến anh trân trọng hơn những giây phút sum vầy. Xong bữa, anh ẵm con gái ra trước ngõ, hai cha con vui vẻ bên nhau một lúc thì anh sửa soạn đi. Anh có lịch tuần tra đêm.
Tuần tra giữ gìn an ninh, trật tự là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị nhưng chẳng ai ngờ được đó lại là lần tuần tra cuối cùng của anh. Khi phát hiện 3 đối tượng trộm cắp xe máy, Thượng úy Tống Duy Tân cùng đồng đội tiến hành bao vây, bắt giữ. Trong quá trình truy đuổi, bọn chúng ném bột ớt vào mặt khiến anh bị té ngã và chấn thương rất nặng. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh đã hy sinh.
Con gái nhỏ vẫn chưa biết gọi tiếng “cha”, chưa ý thức được mất mát lớn lao ở thời điểm đó. Người vợ trẻ lịm người đi không biết bao nhiêu lần, rồi cũng phải gượng dậy để đi tiếp quãng đường phía trước.
Con gái nhỏ của liệt sĩ Tống Duy Tân được đồng đội của anh quan tâm, tặng nhiều dụng cụ học tập, đồ chơi
Người ta thường nghĩ chiến tranh mới có những mất mát, hy sinh nhưng giữa thanh bình, máu các anh vẫn đổ bởi hành trình đấu tranh chống lại cái xấu để bảo vệ bình yên cho Nhân dân là chưa bao giờ dừng lại. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, manh động nhưng điều đó không khiến các anh lùi bước. Các anh ngã xuống vì bình yên cho Nhân dân!/.
(còn tiếp)
Bài 2: Nỗi lòng người ở lại
Quế Lâm - Hà Lan